Mặc dù số lượng ốc gạo năm nay giảm, nhưng do ốc to và ngon nên thương lái mua giá cao gấp đôi mọi năm.
Theo các ngư dân, thời gian đi cào ốc gạo phụ thuộc vào mực nước biển, có thể sớm hoặc muộn tùy theo con nước. Anh Lê Thanh Trà (xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) cho biết: “Cứ khoảng 2 giờ sáng, chúng tôi xuất phát, đến khu vực biển êm là bắt đầu cào ốc. Đến hơn 12 giờ trưa là quay vào lại bờ để bán cho các thương lái đang chờ sẵn. Trung bình, thuyền tôi cào được trên 3 tạ ốc, nhờ vậy mỗi anh em cũng kiếm được gần triệu đồng”.
Anh Trà cũng tiết lộ, năm nay ốc gạo “khan” hơn các năm trước. Ốc được thương lái thu mua với giá cao gần gấp đôi. Nhờ vậy, các ngư dân này làm nghề vẫn có khoản thu nhập kha khá sau mỗi chuyến đi.
Cào ốc gạo là nghề tương đối vất vả, nặng nhọc, do đó đòi hỏi các ngư dân phải có sức khỏe tốt, không phải ai cũng có thể làm được. Anh Phương (ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) chia sẻ: “Nghề cào ốc gạo dù mang lại kinh tế, nhưng rất vất vả, phải dậy sớm để đi, rồi dầm mình trong nước lạnh, dễ mất sức”.
Ốc sau khi được cào sẽ bỏ vào bao tải rồi cột đầu bao lại, khi vào bờ bán lại cho các thương lái theo kiểu ước lượng chứ không cần cân ký. Anh Nguyễn Ngọc Đức, một người chuyên thu mua ốc gạo cho biết, năm nay giá ốc gạo vào khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Thông thường một bao tải có khối lượng khoảng hơn 1 tạ, giá 800 ngàn - 1 triệu đồng, giá cũng có thể cao hơn tùy ốc to hay nhỏ.
Khoảng hơn 12 giờ trưa hàng ngày, nhiều thương lái tập trung tại bãi biển Đức Minh, huyện Mộ Đức. Khi các tàu của ngư dân đi cào ốc gạo ngoài biển mang vào sẽ lập tức thu mua, và vận chuyển ra tiêu thụ ở các tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ốc gạo được chuộng vì chúng ngon và lành hơn các giống khác, chế biến cũng đơn giản hơn.
Nguồn: kinhtedothi.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét