Quảng Ngãi: Đại học chính quy chỉ học 2-3 ngày/tuần là chính quy gì?



Để đáp ứng quy định của tỉnh Quảng Ngãi "muốn bổ nhiệm mới, bổ nhiệm cao hơn phải tốt nghiệp đại học chính quy", nhiều cán bộ tốt nghiệp thạc sỹ (nhưng bằng đại học là tại chức) đổ xô đi học lại đại học chính quy. Tuy nhiên với thời gian học chỉ 2-3 ngày/tuần (thứ 6 đến Chủ nhật). Dư luận đặt câu hỏi: đây là đại học chính quy gì, chất lượng đào tạo ra sao?...
Theo nhân viên tuyển sinh một trường cao đẳng nghề ở huyện Sơn Tịnh, trường đang liên kết với một trường đại học ở Hà Nội mở lớp đào tạo đại học chính quy văn bằng 2 một số ngành như: quản lý nhà nước, luật, hành chính công,... Hàng tuần chỉ học vào thứ 6,7 và chủ nhật; thời gian của khoá học từ 2-3 năm, học phí khoảng 30 triệu đồng/người.



Các bác sĩ, dược sĩ về Quảng Ngãi công tác theo chính sách thu hút (ảnh: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chúng tôi bày tỏ sự lo lắng về thi đầu vào khó; quá trình học bận công việc nên nghỉ nhiều sẽ không được thi tốt nghiệp..., thì nhân viên tuyển sinh của trường này cho biết: "Yên tâm đi, miễn nộp đủ tiền học phí là ok. Có gì khó khăn trường sẽ nói với phía liên kết châm chước và giúp cho".

Trước đó, tại huyện miền núi Tây Trà, anh Đ.T.Q cũng đăng trên Facebook của mình thông báo bán, nhận hồ sơ tuyển sinh đại học chính quy văn bằng 2 ngành luật và quản lý nhà nước của 2 trường đại học ở phía bắc. Trao đổi qua điện thoại, anh Đ.T.Q cung cấp thêm: "Thời gian học 2 ngày/tuần (thứ 7 và chủ nhật), học phí gần 40 triệu đồng. Nếu có đủ 30 viên đăng ký học, trường sẽ vào tổ chức mở lớp ở ngay tại trung tâm huyện này".

Thạc sĩ Phạm Thanh Hùng-Phó phòng Đào tạo trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) giải thích: "Nơi khác thì không rõ nhưng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT mà trường ban hành và thực hiện, đối với văn bằng 2 hệ chính quy thời gian học từ 2-3 năm và phải tập trung, liên tục; hệ vừa học vừa làm từ 2,5-3,5 năm, học tập trung và không liên tục. Dĩ nhiên, với khối lượng kiến thức dồn 2-3 ngày/tuần như vậy thì người học sao mà tiếp thu hết được".

Trong khi đó, ông Võ Văn Hào-Trưởng ban Tuyên giáo Quảng Ngãi bày tỏ: "Bằng đại học chính quy mà trong quy định tỉnh đã đề ra là học tập trung liên tục mà các trường đại học trong cả nước đang áp dụng đối với học sinh sau khi tôt nghiệp THPT, chứ không phải kiểu học 2-3 ngày/tuần. Nếu chính quy kiểu này thì chất lượng đào tạo khác gì tại chức, từ xa đâu mà tỉnh phải đề ra chủ trương trên".

Trước đó. trả lời PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thẳng thắn: "Làm gì có chuyện năng lực của một người rất vất vả mới thi đỗ và tốt nghiệp đại học chính quy lại ngang bằng với người học tại chức, từ xa hay thạc sĩ "9+3" mà báo đã nêu".



Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi: "Đề ra quy định trên là mong muốn hạn chế bớt đi các trường hợp 'con ông cháu cha' học hành làng nhàng cứ đưa vào, bổ túc lên cho đạt chuẩn rồi bổ nhiệm".


Theo vị lãnh đạo này thì việc tỉnh Quảng Ngãi đề ra quy định trên là mong muốn hạn chế bớt đi các trường hợp 'con ông cháu cha' học hành làng nhàng cứ đưa vào, bổ túc lên cho đạt chuẩn rồi bổ nhiệm. Trong khi đó, hàng ngàn con em khác của người dân học hành tử tế, đào tạo chính quy nhưng bằng cấp thấp hơn không được nhận, bổ nhiệm.

"Nói như vậy không phải cứ đại học chính quy là có năng lực giỏi. Rất nhiều cán bộ dù học tại chức, từ xa nhưng có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội, có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm... vẫn được bổ nhiệm, bổ nhiệm cao hơn", ông Quang nói.

Như đã Dân Việt phản ánh, đến tháng 8.2017, tuy sửa đổi hạ mốc năm sinh (tính từ năm 1975, thay cho 1965 trở về sau), thế nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy mới được bổ nhiệm và thăng chức. Theo đó nhiều trưởng, phó phòng ban của cấp huyện đã là thạc sĩ nhưng bằng tốt nghiệp đại học là tại chức, từ xa nên phải đăng ký học lại đại học chính quy.

DANVIET.

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét