Loài cá ngựa đen hippocampus kuda là loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, thường sinh sống dọc theo vùng biển miền Trung. Tuy nhiên, thời gian qua loài cá này bị đánh bắt đến mức cạn kiệt, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường ngày càng lớn. Thế nên, khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn cơ sở sản xuất giống của mình, để triển khai mô hình sản xuất giống cá ngựa đen bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, kết hợp với một phần vốn của gia đình, anh Lân đã hưởng ứng ngay.
Cán bộ khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình nuôi cá ngựa đen tại cơ sở sản xuất giống của anh Võ Đình Lân, ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ). Ảnh: Nguyễn Khâm.
Giữa năm 2016, anh Lân mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng mới 8 bể nuôi cá, với tổng diện tích 72m2. Hệ thống bể lọc nước, cấp thoát nước được lắp đặt đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của mô hình, để đưa vào thực hiện quy trình sản xuất giống. Tháng 8.2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nhập 50 con cá ngựa giống tại tỉnh Khánh Hòa mang về trại sản xuất giống của anh, để nuôi trong 2 đợt, mỗi đợt 25 con.
Vì cá ngựa đen mang trứng được đánh bắt ngoài tự nhiên, nên khi đưa vào môi trường nuôi trong bể xi măng, một số chưa thích nghi, nên bị hao hụt 38%. Số còn lại sau một thời gian nuôi đã đẻ thành công, với tỷ lệ đạt trên 60%. Nhờ vậy, lứa đầu, sau một thời gian nuôi đã cho đẻ được hơn 2.500 con cá ngựa giống. Sau 6 tháng nuôi trong bể xi măng cá ngựa con lớn nhanh, đạt kích cỡ chiều dài từ 2 đến 6cm/con. Tháng 2.2017 số cá giống này đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển ra huyện đảo Lý Sơn, để phân phối cho các hộ dân nuôi lồng trên biển thành cá ngựa thương phẩm.
Theo Y học cổ truyền nhận định rằng cá ngựa tươi có vị ngọt, tính ấm, đặc biệt có tác dụng tráng dương, giải độc.
Còn anh Lân tiếp tục nuôi cá ngựa đen tại trại giống của mình. Hiện nay, trong số 9 con giống cá ngựa đen Trung tâm đưa về đợt 2 đã có 5 con đẻ được hơn 4 nghìn con giống, độ lớn từ 2-4cm/con. Số giống này sẽ được Trung tâm Khuyến nông để lại cho anh Lân nuôi khoảng 2.500 con thành cá ngựa thương phẩm trong lồng tại đầm nước mặn Sa Huỳnh, cách cửa biển khoảng 300m. Số cá ngựa giống còn lại Trung tâm sẽ phân phối cho các hộ dân Sa Huỳnh có nhu cầu nuôi cá ngựa đen thương phẩm trên biển.
Anh Lân tâm sự: Nuôi cá ngựa đen trong bể xi măng là mô hình rất khó thực hiện, đòi hỏi phải bảo đảm môi trường vệ sinh, nhiệt độ nước trong bể nuôi và thức ăn cho cá phải đạt yêu cầu thì cá ngựa mới phát triển được. Tôi tin rằng, sau thành công này, mô hình nuôi cá ngựa đen trong bể xi măng và nuôi cá ngựa thương phẩm bằng lồng trên biển sẽ được nhân rộng tại các vùng ven biển của tỉnh, mang lại lợi nhuận cao cho người dân.
Theo Nguyễn Khâm (Báo Quảng Ngãi)
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét