Ông Trần Hết (51 tuổi, ở TT.Mộ Đức) cho biết vụ đông xuân 2016 - 2017, gia đình ông gieo sạ hơn 6 sào lúa. Từ nửa tháng qua, khi mùa thu hoạch bắt đầu, do gặp mưa giông khiến lúa bị ngã rạp. Lo sợ hạt lúa giảm chất lượng, gia đình ông Hết chạy đôn, chạy đáo thuê máy gặt lúa nhưng đến ngày 27.4 mới chỉ thu hoạch được 4 sào.
“Hai sào lúa còn lại ngã đổ quá nhiều, buổi chiều trời lại mưa nên tui rất lo. Tuy nhiên, chủ máy gặt lại nói phải chờ vài ngày nữa mới đến lượt”, ông Hết nói và cho biết đó là vì hoàn toàn phụ thuộc vào chủ máy gặt và cách điều hành của hợp tác xã (HTX).
Bà Bùi Thị Phổ (ngụ TT.Mộ Đức) có 2 sào lúa chín rộ nhưng cũng chưa có máy gặt đến thu hoạch. Theo bà Phổ, nguyên do năm nay ruộng lúa của đội 1 mà gia đình bà cùng nhiều nông dân đang canh tác được HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trường (TT.Mộ Đức) giao cho chủ máy gặt đập liên hợp là ông Lê Thanh Vân chịu trách nhiệm thu hoạch. Nhiều nông dân dù muốn thuê máy gặt từ địa phương khác đến cũng không được.
“Nhìn lúa chín bị ngã rạp dưới đất, ai cũng nôn nóng muốn thu hoạch cho xong. Trong khi đó, mỗi máy gặt của ông Vân thì làm không xuể. Thấy vậy, nông dân đi kêu máy gặt ở nơi khác thì ông Vân bảo cánh đồng này là của ổng, không cho ai tới hết”, bà Phổ bức xúc.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, để thu hoạch hơn 230 ha lúa đông xuân 2016 - 2017 ở TT.Mộ Đức, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trường đã nghĩ ra cách phân chia các cánh đồng lúa cho từng chủ máy gặt đập liên hợp “cát cứ” và quy định giá thu hoạch đối với từng vụ. Hơn nữa, từng chủ máy gặt không được tự tiện chuyển sang cánh đồng khác để thu hoạch lúa cho nông dân nếu không có sự đồng ý của HTX.
Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi chủ máy gặt được độc quyền gặt lúa trên cánh đồng mà HTX đã phân chia trước đó. Vì thế, toàn bộ quá trình thu hoạch nhanh hay chậm, nông dân đều phải phụ thuộc vào chủ máy. Đáng nói hơn, giá thuê gặt lúa mà nông dân phải trả cho chủ máy gặt tại các cánh đồng ở TT.Mộ Đức lại cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/sào so với máy gặt ở cánh đồng của xã Đức Tân cách đó chừng vài trăm mét. Các nông dân cho biết máy gặt độc quyền là 200.000 đồng/sào; trong khi đó, máy gặt thuê từ các nơi khác chỉ khoảng 170.000 đồng/sào.
Giải thích việc phân chia máy gặt theo kiểu độc quyền, ông Phạm Mạnh Chín, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trường, biện minh: “Nông dân không thể chủ động thuê máy mà phải thông qua HTX điều hành. Nếu nông dân phần ai nấy kêu máy gặt cho ruộng nhà mình sẽ xảy ra tranh chấp giữa các chủ máy gặt trên địa bàn, cái đó phải nói rõ như vậy”.
Yêu cầu chấm dứt
Chiều 27.4, trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Mẫn, Chủ tịch UBND H.Mộ Đức, khẳng định việc phân chia địa bàn gặt lúa cho từng chủ máy gặt như ở TT.Mộ Đức là không thể chấp nhận được, gây thiệt thòi cho nông dân. “Trong thời buổi cơ chế thị trường mà xảy ra tình trạng độc quyền là hết sức nguy hiểm, phải để cho người dân chủ động trong sản xuất, thu hoạch”, ông Mẫn nói và cho biết: Huyện yêu cầu HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trường chấm dứt ngay việc phân chia máy gặt theo kiểu độc quyền.
Trước mắt, H.Mộ Đức chỉ đạo chính quyền địa phương và HTX có ngay phương án điều tiết máy gặt lúa đến các cánh đồng để thu hoạch nhanh, gọn số diện tích lúa còn trên đồng cho bà con nông dân TT.Mộ Đức, sau đó cơ quan chức năng của huyện làm việc với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để bàn tính cách làm, xây dựng giá cả trong việc thực hiện dịch vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu làm đất và thu hoạch.
Cùng ngày 27.4, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc giao UBND H.Mộ Đức tổ chức kiểm tra tình trạng độc quyền gặt lúa xảy ra tại TT.Mộ Đức, đồng thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan tại địa phương để kiểm điểm, xử lý; báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 5.5. Ông Minh cũng yêu cầu UBND các huyện, TP chỉ đạo, tổ chức kiểm tra tình hình thực tế và có biện pháp chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng tương tự như trên xảy ra tại địa phương.
Hiển Cừ thanhnien.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét