Mọi sinh hoạt hằng ngày cụ Kiên vẫn tự làm bình thường. Với hai cùi chân, cụ có thể đi chợ, sang chơi nhà hàng xóm, đi mua thuốc mỗi khi trái gió trở trời; còn bằng hai cùi tay, cụ xách nước, giặt giũ, quét dọn, nấu cơm. Ai gặp cụ cũng đều khâm phục.
Chúng tôi tới thăm, cụ cười móm mém: “Trời không lấy không của ai bao giờ. Ổng vẫn cho chớ! Không thì sao một thân một mình như tui mà sống tới 82 tuổi, và còn sống tiếp”. Có lẽ chỉ có người lạc quan thì mới có thể nói như vậy.
Cụ kể: “Hồi học trường làng, làm toán cộng trừ, tụi bạn xòe, cụp ngón tay để tìm kết quả. Tui đâu có gì để cụp với xòe. Lũ nó chơi đánh chuyền, đánh chắt, mười ngón tay múa trên những chiếc que tre, tui thèm lắm. Chán trò này, tụi nó chuyển qua chơi bịt mắt bắt dê, chạy nhảy thậm thình. Nhìn lại “tay chân” mình, tui thầm mơ, mơ có những ngón tay, ngón chân như lũ bạn. Nhưng mơ hoài không có nên tui hết mơ luôn. Khỏi tơ tưởng cho mệt óc”.
Cụ nhớ lại: “Cha mẹ lần lượt qua đời, tui tá túc cùng vợ chồng ông anh. Anh chị hết lòng bù sớt để tui khuây khỏa những thiệt thòi. Nhưng không lẽ mình làm gánh nặng cho người thân hoài? Tui tập từ chối săn sóc, tự tập tành, xoay xở để sống như một người bình thường. Rồi chiến tranh. Ông anh gánh tui đi tản cư. Tui ngồi một đầu, đầu kia là gạo dầu mắm muối. Tui khóc, không sợ chết chóc mà khóc vì thương anh. Và tui dứt khoát “ra riêng”, mặc cho ông anh năm lần bảy lượt đòi “gánh” tui về”.
Chuyện trò với khách, cụ kể mình có một sạp hàng tạp hóa gồm tủ thuốc lá, mấy thẩu bánh kẹo, thùng mì tôm, chồng bánh tráng. Hàng xóm hay mua hàng của cụ. Thêm mấy chiếc xe người đi chợ dắt vào nhờ cụ coi giùm. Khi lấy xe, ai cũng cho cụ ít tiền. Cụ còn khoe bầy cháu, con của ông anh, đứa đi biển thì cho cá, đứa làm nông thì cho gạo, cho đậu, cho khoai. “Thành ra tui không thiếu thứ gì”, cụ khoe rồi nở nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo.
Điều mà hàng xóm hay kể về cụ là sự bình thản, vui sống, vượt lên hoàn cảnh. Cụ không hề than vãn, không muốn người khác mủi lòng hoặc cám cảnh về mình. “Gió nhiều, tấm bạt che nắng bị rách, cụ khéo léo dùng cùi tay kẹp cây kim vá lại và nói “nhà” nằm sát rạt giữa đường sắt và đường bộ nên đêm nào cũng nghe đất trở mình. Đất trở thì mình cũng trở. Đêm nào nhức mỏi, khó ngủ thì đếm tiếng còi tàu. Còi tàu vẳng xa thì đếm tiếng còi xe. Cứ đếm, đừng nghĩ rối rắm là ngủ được thôi”, cụ nói.
Gặp cụ Kiên, ai cũng nói mình suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Hình ảnh cụ buộc người ta phải so sánh với những tiếng thở dài, than thân trách phận, bi quan, bế tắc của bao nhiêu người trẻ khỏe, lành lặn.
Trần Cao Duyên thanhnien.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét