Đối lập với các địa phương khác trong tỉnh, tới thời điểm này, thôn Quy Thiện, Phước Điền, Đông Hải (xã Phổ Khánh) vẫn chìm ngập trong nước. Cuộc sống của người dân vẫn chưa trở lại bình thường sau hơn 10 ngày lũ ngớt.
Vừa dọn vệ sinh chuồng gà sau nhà, ông Nguyễn Họp, 87 tuổi, thôn Quy Thiện vừa than thở: “Tết nhứt đến nơi rồi mà thế này thì lấy tiền đâu tiêu Tết. Đồng mênh mông nước, không gieo trồng thứ gì được”.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Đính ngồi co ro tại góc hiên nhìn ra phía đồng xa, nơi nước bạc còn bủa vây mà không khỏi ngán ngẩm: “Trời thì nắng ráo mà nước vẫn chưa chịu rút đi. Chưa năm nào lũ dai dẳng đến vậy”.
Hàng trăm nhà dân ở xã Phổ Khánh vẫn còn chịu cảnh ngập lụt sau lũ.
Giải pháp tức thời mà người dân trong thôn sử dụng là dùng các dụng cụ có sẵn để đẩy nước ra ngoài. Tuy nhiên, do không thoát kịp nên nước cứ chảy ra rồi lại tràn vô, có nhà dâng tới đầu gối. Nhìn cảnh đó, mọi người đành bất lực.
Theo quan sát, khắp mọi ngõ ngách đều vương vãi bùn non, rong rêu bám đầy sân khiến cho việc đi lại của các hộ dân gặp không ít khó khăn. Đáng lo ngại hơn là nguồn nước bị ô nhiễm, người dân buộc phải sử dụng chứ không còn cách nào khác, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
“Hễ ra đường là phải dùng đến ủng vì cứ chạm con nước đen ngòm ấy là chân lại bị nổi ghẻ. Rất mong cơ quan chức năng quan tâm lắp đặt hệ thống thoát nước để người dân chúng tôi đỡ khổ”- ông Nguyễn Tiến Thanh- Bí thư Chi bộ thôn Quy Thiện cho hay.
Nước ngập khắp các xóm làng, việc đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại.
Nếu như vào độ này năm trước, người dân đã hối hả thu hoạch mùa vụ (củ sắn, củ từ) thì năm nay lại thất bát. Tất cả vốn liếng, giống đổ xuống đồng đều trôi theo dòng lũ. Người dân chỉ nhận lại… nhiều diện tích bị sa bồi thủy phá.
Gia đình anh Lê Đại Nam (33 tuổi), thôn Quy Thiện, trồng 270 cọc tiêu. Sau đợt lũ muộn vừa rồi, gần 90% số đó bị héo úa do ngâm nước lâu ngày. Tổn thất quá lớn khiến anh Nam buồn rầu, chẳng còn tâm trí đâu chăm sóc những gốc tiêu còn lại.
“Sau hơn hai năm chăm sóc, cứ ngỡ đến khoảng tháng 4 năm sau là có thể thu hoạch lứa tiêu đầu tiên, nhưng giờ thì đành bỏ sông bỏ bể”, anh Nam bộc bạch.
Diện tích hoa màu bị hư hại ngày một tăng.
Người dân địa phương cho hay, rất lâu rồi kể từ trận lũ lịch sử năm 1999 họ mới gánh chịu trận lũ với sức tàn phá lớn như vậy. Ông Hồ Ngọc Hàn- Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh cho hay: “Do địa hình đặc thù ở đây là gò cát cao nên nếu mưa vừa nước sẽ tự rút, nhưng do lũ chồng lũ, lại không có hệ thống thoát nước nên nước không thoát kịp gây ngập cục bộ trên diện rộng”.
Cũng theo anh Hàn, kể từ đợt mưa lũ từ ngày 30.11 đến ngày 8.12 và từ ngày 14.12 đến ngày 17.12 cho đến nay, trên địa bàn xã đã có đến hơn 34ha đất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá, hơn 209ha hoa màu, 65ha diện tích lúa bị ngập, hư hại… Và con số thống kê này sẽ còn tăng lên khi từ nay đến Tết có thêm một đợt mưa lớn.
Với diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, hơn lúc nào hết, người dân sớm mong chính quyền địa phương, ngành chức năng có giải pháp khắc phục để người dân chủ động ứng phó mưa lũ, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Gia Nghi baoquangngai.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét