Quảng Ngãi: Người dân khốn khổ vì lũ chồng lũ

Học sinh phải nghỉ học vì trường bì bõm nước, những ngôi nhà bị đổ nát trong hoang tàn, hàng nghìn hécta hoa màu, hàng trăm chậu hoa cảnh trồng bán Tết bị chìm trong biển nước, số người chết vì mưa lũ tăng lên mỗi ngày… kéo theo đó là hàng trăm nỗi lo mà người dân Quảng Ngãi đang gánh chịu khi lũ chồng lũ.

Gần cả tuần nghĩ học vì mưa lũ, đó là trường hợp ở Trường Tiểu học Nghĩa Điền. Kể từ thứ 5 tuần trước cho đến nay, hơn 317 học sinh vẫn chưa được gặp mặt thầy cô, bạn bè. Mưa lũ kéo về, nhà trường đành lòng cho học sinh nghỉ học và đợi đến khi nước rút, khắc phục xong cơ sở vật chất mới thông báo phụ huynh đưa các em trở lại trường.

Tọa lạc ở vị trí trũng, thấp, trận lũ trước chưa kịp dứt hẳn thì trận lũ tiếp theo lại nối tiếp đã khiến cho sân trường, các phòng học bì bõm trong biển nước. Nhiều bàn ghế, sách vở, dụng cụ dạy học bị hư hỏng, khiến việc dạy và học của trường bị gián đoạn.

Bùn, đất theo nước bám đầy nền lớp học, các các thầy cô ở đây luôn túc trực để nước rút đến đâu, quét dọn đến đó, kịp thời đón các em trở lại trường. Trước đó, thầy cô phải chia nhau di chuyển những tài sản có giá trị lên lầu trên, phòng tránh nước dâng cao, gây hư hỏng.


Quảng Ngãi: Người dân khốn khổ vì lũ chồng lũ
Mưa lũ gây ngập sâu ở Trường Tiểu học Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa).

“Khổ quá, chỉ mới chưa đầy một tuần mà Quảng Ngãi đã gánh chịu đến hai trận mưa lũ. Vừa mới dọn dẹp, khắc phục xong phòng học thì trận lũ mới lại tràn về gây thiệt hại không nhỏ cho trường. Việc dạy và học gặp khó, thầy cô còn phải lo dọn vệ sinh liên tục đến kiệt sức”, cô Đỗ Thị Đông- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Điền than thở cùng chúng tôi khi đang cùng đội ngũ thanh niên nhà trường xắn cao ống quần để quét bùn.

Mưa lũ ở Quảng Ngãi cũng đã khiến cho gần 3.000ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm và hàng trăm nghìn chậu hoa cảnh Tết bị ngập, hư hỏng. Tại huyện Tư Nghĩa, chỉ riêng đợt lũ đầu tiên, kéo dài từ ngày 30.11 đến ngày 4.12 đã có trên 100 nghìn chậu hoa cúc bị thiệt hại. Suốt một tuần qua, nhiều đêm liền, địa phương cùng người dân phải thao thức, gồng mình cùng mưa gió để cứu hoa.



Hầu hết các phòng hòng đều bị ngập nên học sinh nhà trường phải nghỉ học gần cả quần qua.

Dù rất nỗ lực, nhưng sức mạnh của con nước đã khiến nhiều người ngậm ngùi nhìn những chậu hoa cúc sắp đơm hoa phải chìm trong nước. Hết lũ, người dân đưa hoa về lại nơi cũ, tiếp tục chăm sóc để vớt vát chút ít cho vụ tết. Nhưng chỉ sau mấy ngày, mưa lại tiếp tục trút xuống, nước lên, những chậu hoa kịp “chạy lũ” đợt trước nay lại không thoát khỏi được sự trêu ngươi của thiên nhiên.

Ông Tô Văn Lũy, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ là một trong những hộ trồng hoa nổi tiếng ở cạnh dòng sông Vệ. Vụ Tết năm nay, gia đình ông Tô Văn Lũy trồng 1.000 chậu hoa các loại.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc chạy lũ nhưng ông vẫn phải nhìn 500 chậy cúc, hường ngâm trong dòng nước và không thể cứu vãn. Với ông Mỹ bây giờ cùng hàng trăm hộ trồng hoa khác không chỉ lo tìm cách chăm sóc để những chậu hoa trổ đúng dịp, mà còn canh cánh nỗi lo tiền bạc cho hai đưa con đang theo học ở Sài Gòn trở lại trường học sau Tết với một vụ hoa thất thu.

“Bây giờ trời làm thì mình phải chịu thôi, chứ còn cách nào nữa đâu. Hai vợ chồng đành hi vọng vào số hoa còn lại rồi chạy vạy thêm để lo cho con vào trường ”, ông Lũy bùi ngùi chia sẻ.



Người trồng hoa gặp khổ vì mưa lũ.

Không chỉ hoa màu, hoa bán Tết mưa lũ đã khiến cho 2.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Căn nhà của bà Hồ Thị Xuân, 75 tuổi, thôn Phú Minh, xã Hành Thuận là một trong hai trường hợp có nhà bị đổ nát ở huyện Nghĩa Hành. Giờ nghĩ lại, bà Xuân cũng chưa kịp hoàn hồn, không nghĩ rằng gia đình mình trở thành nạn nhân của cơn lũ.

8 giờ sáng ngày 6.12, khi bà sang nhà bên cạnh xem ti vi, theo dõi tình hình mưa lũ thì một tiếng rầm mạnh vang lên, lấn át cả tiếng mưa đã khiến cả xóm phải giật bắn người. Chạy về nhà, trước mắt bà là cảnh tượng hoang tàn. Mọi vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong nhà cùng lúa gạo dự trữ cho mùa đông bị vùi lấp bên dưới đống đổ nát.

Nhà neo người, một mình bà Xuân lay hoay chẳng biết bấu víu vào đâu. Bà vội “móc” từ đống đổ nát bộ quần áo, sang nhà hàng xóm ăn, ngủ nhờ mấy hôm nay. Đợi nước rút, trời ngớt mưa, bà trở lại nhà nhờ hàng xóm phụ giúp để dọn dẹp dần.

“Cũng may là lúc đó không có ở nhà chớ nếu không thì bà cũng không còn đứng đây mà trò chuyện cùng các cháu”, bà Xuân vừa nói, vừa khóc nức nở. Nhà cửa không còn, ruộng vườn không có, anh con trai ở cùng lại ốm yếu, bị tim bẩm sinh, không có khả năng lao động, thời gian đến bà Xuân cũng chẳng biết kiếm đâu ra tiền để xây nhà.



Mưa lũ đã khiến đồ dùng sinh hoạt, lúa gạo của bà Xuân bị vùi lấp trong đống đổ nát.

“Mưa lũ”, chưa khi nào cụm từ ấy lại xuất hiện nhiều như bây giờ, nó cứ “đến hẹn lại lên” như một vận đen gắn vào khúc ruột miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Dẫu có khó khăn, mất mát, đau thương nhưng người dân không vì thế mà chùn bước. Mưa vẫn chưa ngớt, lũ vẫn chưa rút hẳn, cùng với chính quyền, người dân khắp nơi trong tỉnh vẫn đang gồng mình chống lũ, khắc phục dần những hậu quả.

Bài, ảnh: Gia Nghi baoquangngai.vn

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét