Kết thúc đợt chấm thi tại Quảng Ngãi, hầu hết cán bộ chấm thi đều đánh giá quy trình chặt chẽ, chấm thi hết sức công bằng, nghiêm túc và kết quả phản ánh đúng thực tếKết thúc đợt chấm thi tại Quảng Ngãi, hầu hết cán bộ chấm thi đều đánh giá quy trình chặt chẽ, chấm thi hết sức công bằng, nghiêm túc và kết quả phản ánh đúng thực tế
Nhìn chung, đề thi đã tạo được sự phân hóa; phân bố phổ điểm tương đối rõ. Điểm cao nhất là 9,8 thuộc về thí sinh Lê Hữu Thông (SBD DDS007170) môn thi Lý và Lê Thị Thao (SBD DDS006679) môn Hóa; cả hai đều đến từ trường THPT số 1 Đức Phổ. Em Lê Hữu Thông cũng là người có số điểm thi môn Toán cao nhất: 9,5 điểm.
Ngoài em Lê Hữu Thông còn có 4 em có điểm Toán 9,5. Thí sinh có điểm tiếng Anh cao nhất (9,45) là Bùi Thị Minh Thùy, SBD DDS007318, trường THPT chuyên Lê Khiết. Điểm cao nhất các môn còn lại gồm: Sinh: 9,6 ; Tiếng Anh: 9,45 ; Địa: 9,25; Văn: 9; Sử: 8,5.
Theo Hội đồng thi cụm thi số 42, công tác chấm thi tại Cụm thi số 42 có 193 cán bộ tham gia chấm thực tế, bao gồm giảng viên của Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Phạm Văn Đồng và giáo viên các trường phổ thông trung học tại Quảng Ngãi.
Toàn bộ cán bộ chấm thi đều là những giảng viên, giao viên nhiều kinh nghiệm, năng lực tốt. Thời gian chấm thi diễn ra từ ngày 5/7 đến ngày 12/7/2016.
Kết thúc đợt chấm thi, hầu hết cán bộ chấm thi đều đánh giá quy trình chặt chẽ, chấm thi hết sức công bằng, nghiêm túc và kết quả phản ánh đúng thực tế.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Ủy viên thường trực Hội đồng thi cụm thi số 42: Với kết quả thi tại cụm thi số 42 (tỉnh Quảng Ngãi), dự báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn cao vì ngoài kết quả thi còn tính điểm trung bình cả năm lớp 12 cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Tuy nhiên, nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học, cao đẳng thì các thí sinh cần phải cân nhắc cẩn thận để lựa chọn các trường vừa sức nộp đơn dự tuyển.
Dự báo, điểm chuẩn xét tuyển vào nhiều trường năm nay không cao. Các em có tổng điểm 3 môn cao sẽ tự tin nộp vào các trường top đầu; các em có điểm thấp sẽ chọn các trường cao đẳng, TCCN. Các em có tổng điểm ở mức trung bình lựa chọn các trường ở top giữa.
Tuy nhiên, top giữa thì có rất nhiều trường và cũng có rất nhiều thí sinh nằm ở phổ điểm này. Do vậy, các thí sinh có tổng điểm trung bình rủi ro không trúng tuyển đợt 1 hoặc các trường sẽ gọi đủ thí sinh nhập học (do thí sinh đỗ 1 lúc cả 2 trường).
Lý do là năm nay, thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và sau khi nộp hồ sơ dự tuyển sẽ không được rút lại. Chính vì vậy mà có rất nhiều thí sinh đỗ vào 2 trường, nhưng chỉ nhập học có 1 trường.
PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ: Để khắc phục tình trạng này, tại Hà Nội có nhóm GX gồm 12 trường và miền Trung có Đại học Đà Nẵng là 2 đơn vị thực hiện phương thức xét tuyển theo nhóm trường, nhằm tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh và hạn chế thí sinh ảo cho các trường.
Chẳng hạn nếu nộp hồ sơ dự tuyển vào 2 trường ngoài nhóm thì mỗi thí sinh chỉ được nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Nếu nộp hồ sơ vào nhóm trường, thì mỗi thí sinh được nộp 4 trường trong nhóm.
Tuy nhiên, các em có thể nộp 1 phiếu vào 2 trường trong nhóm và 1 phiếu còn lại vẫn được nộp vào 1 trường ngoài nhóm. Đây chính là điểm ưu việt của phương thức tuyển sinh theo nhóm mà các sinh và phụ huynh cần nên biết.
Ngoài ra, tại Trường ĐH Sư phạm –ĐH Đà Nẵng còn tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội học tập hơn, đó là chương trình đào tạo song song.
Nếu thí sinh trúng tuyển vào trường, sau học kỳ đầu tiên nếu sinh viên có kết quả học tập từ trung bình trở lên có cơ hội nộp hồ sơ học 1 ngành thứ hai tại Trường ĐH Sư phạm hoặc Trường ĐH Bách Khoa hoặc ĐH Kinh Tế, hoặc ĐH Ngoại Ngữ.
Sau khi tốt nghiệp ngành thứ nhất sẽ được cấp bằng ngành thứ hai. Đây là cơ hội chỉ có ở các đại học vùng uy tín và được đánh giá đảm bảo chất lượng.
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét