Bị địa phương o ép, tiểu thương chợ Đức Phổ dắt díu nhau ra TW kêu cứu

Chợ Đức Phổ (thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi) vừa được nâng cấp, xây thêm từ năm 2013. Gần 500 tiểu thương kinh doanh ở đây cũng được kí hợp đồng thuê ki ốt 10 năm. Nhưng chỉ hai năm sau, tiểu thương chợ Đức Phổ bất ngờ nhận được thông báo di dời về trung tâm thương mại vì lí do chợ cũ xuống cấp. Cuối tháng 6/2016, các tiểu thương nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê ki ốt từ UBND thị trấn Đức Phổ.  



Các tiểu thương từ Quảng Ngãi ra Hà Nội kêu cứu .

Cho rằng những việc làm này có dấu hiệu mờ ám, tư lợi nên các tiểu thương cắt cử nhau người ở lại quê giữ chợ, gần 30 người được “cử” ra Hà Nội kêu cứu các cơ quan Trung ương.

Chợ mới sửa đã xuống cấp?

Sau nhiều ngày thuê trọ chờ đợi, chiều ngày 8/7/2016, nhóm tiểu thương trên cho biết đã được cán bộ Ban tiếp dân Trung ương (trụ sở ở quận Hà Đông) nhận đơn. Có tất cả 26 tiểu thương lặn lội từ Quảng Ngãi ra Hà Nội khiếu nại. Họ mang theo đơn thư đại diện cho 400 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Đức Phổ: “Do điều kiện khó khăn, các tiểu thương góp tiền cử nhóm nhỏ ra Hà Nội khiếu nại”, một người cho hay.

Các tiểu thương trình bày: Chợ Đức Phổ hình thành từ năm 1967, nằm gần khu dân cư nên thuận tiện cho việc mua bán. Sau nhiều lần cải tạo, hiện chợ có diện tích trên 5.000m2. Gần đây nhất, năm 2011 UBND thị trấn Đức Phổ và ban quản lý đứng ra thông báo dự án nâng cấp, xây mới một số hạng mục trong chợ với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Theo thông báo, số tiền này sẽ được chia đều vào giá thuê các ki ốt.


 Hợp đồng thuê ki ốt tại chợ Đức Phổ có thời hạn 10 năm, nhưng nay đã bị chính quyền địa phương “xé bỏ”

Đến năm 2013 việc cải tạo hoàn thành. Sau đó giữa UBND thị trấn và tiểu thương làm hợp đồng thuê ki ốt với giá từ 40 triệu đến 120 triệu đồng/ki ốt, tùy theo diện tích, vị trí. Thời hạn hợp đồng10 năm.
Việc kinh doanh ở chợ diễn ra suôn sẻ được 2 năm thì tháng 3/2015, các tiểu thương nhận được thông báo di dời sang Trung tâm thương mại - dịch vụ chợ Đức Phổ Đức Phổ (sau đây gọi tắt là trung tâm thương mại) cách chợ cũ 4km để nhường chỗ xây dựng công viên cây xanh. Liền sau đó, hết ban quản lý đến đại diện thị trấn, huyện xuống thông báo, họp bàn với tiểu thương về việc di dời chợ.
Vẫn theo lời tiểu thương, UBND thị trấn lấy do di dời vì chợ cũ xuống cấp, chật chội, không đảm bảo an toàn cháy nổ. Song những người buôn bán ở đây cho rằng những lí do trên không thuyết phục. Bởi chợ vừa được nâng cấp, xây thêm một số hạng mục. Ngoài ra trong chợ còn rất nhiều ki ốt chưa có người thuê nên không thể nói quá tải, xuống cấp.

Mặt khác theo thông báo của chính quyền thì giá thuê ki ốt ở trung tâm thương mại cao gấp nhiều lần. Ví dụ một ki ốt rộng khoảng 4m2 cùng một vị trí thì ở chợ cũ giá hợp đồng 5 triệu đồng/5 năm. Còn ở trung tâm thương mại là 40 triệu/ 5 năm. 

Trong khi đó việc kinh doanh ngày càng khó khăn, chưa kể trung tâm thương mại nằm xa khu dân cư, vắng khách. Thậm chí tại các buổi đối thoại, tiểu thương đặt câu hỏi tại sao chợ vừa được nâng cấp mấy tỉ đồng, vừa sử dụng 2 năm đã đập phá gây lãng phí thì đại diện chính quyền không trả lời.

Góp tiền ra Trung ương kêu cứu

Điều khiến các tiểu thương bức xúc nữa là trung tâm thương mại được khởi công từ năm 2012, song song với thời gian nâng cấp, mở rộng chợ Đức Phổ. Tuy nhiên tất cả tiểu thương đều không biết thông tin họ sẽ được di dời về trung tâm thương mại kinh doanh sau khi xây dựng xong:
“Nếu có kế hoạch di dời từ trước, chính quyền và ban quản lý chợ phải thông báo để chúng tôi tránh lãng phí đầu tư. Bao nhiêu tiền của bỏ ra sửa ki ốt, rồi có người mới mua lại ki ốt chưa kịp hoàn vốn nay phải di dời. Lạ nhất là chính quyền còn kí hợp đồng với tiểu thương thời hạn 10 năm”, một người cho hay. 
“Tại buổi đối thoại gần đây, ông Bí thư huyện còn nói việc xây trung tâm thương mại thay thế chợ đã thông báo cho các hộ dân bị thu hồi đất biết. Nhưng những hộ dân đó có bị ảnh hưởng từ việc di dời chợ như chúng tôi đâu”, chị Nguyễn Thị Bích Lê (SN 1974), nêu ý kiến.


Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê ki ốt của chính quyền.

Trước đó tại các buổi làm việc, chính quyền huyện Đức Phổ đưa ra ba lựa chọn cho các tiểu thương: Thứ nhất, hoán đổi ki ốt từ chợ cũ sang trung tâm thương mại nhưng khác vị trí. Thứ hai, hộ nào không đồng ý thì huyện trả lại tiền và lãi suất theo ngân hàng. Thứ ba, người dân có thể khởi kiện chính quyền ra tòa án.
Hàng trăm tiểu thương chợ Đức Phổ cho rằng những phương án trên đều đẩy phần thiệt về phía người dân. Thực tế giá chuyển nhượng các ki ốt, số tiền họ bỏ ra đầu tư lớn hơn nhiều so với giá lãi suất ngân hàng. 
Nhưng họ phẫn nộ nhất là cách thực hiện của chính quyền: “Thử hỏi một dự án di dời hàng trăm tiểu thương lại thực hiện hối hả như vậy. Chúng tôi không được thông báo trước để chuẩn bị gì cả. Chính quyền cũng không lắng nghe ý kiến của chúng tôi. Những thắc mắc của người dân chưa được giải đáp thỏa đáng thì làm sao tiểu thương chúng tôi phục”, tiểu thương Lê Thị Thu Thủy nói.
Bởi những lí do trên, nên 400 tiểu thương không đồng ý di dời sang trung tâm thương mại. Sau nhiều buổi làm việc, đối thoại không thành, ngày 30/6/2016, UBND thị trấn Đức Phổ đã gửi cho các hộ kinh doanh thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê quầy, ki ốt tại chợ Đức Phổ từ ngày 1/7/2016.
Theo thông báo này, các tiểu thương tự thu dọn hàng hóa, trả lại mặt bằng. Nếu hộ nào không đồng ý có thể khởi kiện ra tòa án đòi bồi thường.
Nhóm tiểu thương đại diện cho những người kinh doanh, mua bán ở chợ Đức Phổ cho biết suốt một năm qua họ không thể an tâm kinh doanh. Trong lúc tất cả vốn liếng đều đầu tư vào các ki ốt chưa thể thu hồi vốn.

Trong khi đó phía chính quyền giải thích chưa thỏa đáng nên họ liên tục khiếu kiện, tố cáo. Tuy nhiên kết quả chỉ là những tờ thông báo chuyển đơn. Ngay cả nguyện vọng được đối thoại với lãnh đạo chính quyền của tiểu thương cũng không được chấp nhận.
Gần đây nhất, tiểu thương chợ Đức Phổ nhận được thông báo sẽ cưỡng chế di dời chợ vào ngày 11/7 tới đây. Lo lắng những “cần câu cơm” bị bẻ gãy, họ quyết định họp bàn, cử lại 26 người lên xe ra Thủ đô kêu cứu. Những tiểu thương còn lại ở nhà “giữ chợ”.
Nhóm tiểu thương đang có mặt tại Hà Nội cho biết họ sẽ tiếp tục ở lại kêu cứu đến khi nào có kết quả mới về quê. Để tiết kiệm chi phí, họ thuê phòng trọ tập thể giá 20 ngàn đồng/người/ngày: “Mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm, chúng tôi phải mua bánh mì siêu thị về ăn thêm. Ai cũng nghèo khó cả, xác định cuộc “đấu tranh” còn kéo dài nên phải tiết kiệm tối đa”, một tiểu thương chia sẻ.

Theo kết luận số 332/KL-TTCP ngày 10/2/2015 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 1/2007 đến 6/2013, thì dự án khu thương mại dịch vụ chợ Đức Phổ kết hợp nhà ở liền kề nằm trong danh sách được giao đất không đúng quy hoạch với diện tích 6,7 ha. Chủ đầu tư dự án này còn nợ hơn 5 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Nguồn : baophapluat.vn

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét