Tết Đoan Ngọ: Những nét văn hóa còn lưu giữ

Với người Việt, Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Bởi lúc này trời nắng to, tức dương khí đang thịnh. Người dân bày lễ cúng để đánh dấu thời tiết mới quang đãng và hái lá Mùng 5 để làm thuốc. Tết Đoan Ngọ nằm trong giai đoạn chuyển mùa, sâu bệnh thường phát sinh nên từ xa xưa còn gọi là "Tết diệt sâu bọ". Nhiều tập tục của Tết Đoan Ngọ, người xứ Quảng vẫn còn lưu giữ đến bây giờ...

Tết của hoa, quả

Cứ đến dịp Mùng 5.5 (âm lịch), đất trời chuyển mùa cũng là lúc ánh nắng “thịnh vượng” tràn ngập khắp mọi nơi. Đây là thời điểm quả trên cây, hoa trên cành bắt đầu chín mọng, nở rộ... Mỗi nhà, mỗi vùng miền có quan niệm ăn Tết Đoan Ngọ khác nhau, nhưng đều có chung một suy nghĩ là chính thời khắc này dùng hoa quả để cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên đã cho một vụ mùa bội thu, đón tiếp vụ mùa mới.

Vì thế, ở Quảng Ngãi cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Mùng 5.5 (âm lịch) trên khắp các chợ quê, chợ thị tràn ngập các loại trái cây mang đậm hương vị quê nhà. Những trái mít chín thơm phức, những trái xoài căng mọng, và chuối ngự, chuối mật có dịp được “khoe hàng”.

Người bán, người mua đều hối hả nên chợ đông sớm mà cũng kết thúc khá nhanh để còn về lo mâm cỗ dâng lên tổ tiên. Những bậc cao niên cho rằng, nếu Tết truyền thống là những ngày của bánh mứt, thịt mỡ, dưa hành, thì Tết Đoan Ngọ là ngày của trái cây, hoa lá... Ngày nay, nhiều gia đình còn tổ chức tiệc mặn, nhưng trên bàn thờ tổ tiên đều không thể thiếu các loại trái cây.



Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ về các chợ đều tràn ngập các loại trái cây.

Bà Nguyễn Thị Chí, đã qua tuổi 90 ở xã Ba Động (Ba Tơ), kể: Ngày này ai ai cũng náo nức. Thời xa xưa, bà con làm bánh ú tro, ủ rượu nếp than để cúng, đãi bà con lối xóm. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn nhà nhà thường đúc bánh xèo với nhân tôm, tép hay thịt gia súc, gia cầm nuôi trong nhà... Cái bánh xèo ngày đó cùng với các loại trái cây đậm chất “cây nhà lá vườn” cho đến giờ nhiều người vẫn không quên được.

Cũng theo bà Chí, sau khi cúng gia tiên, ăn bánh xèo, trái cây, người quê thường mời nhau một bát nước lá được hái đúng vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) năm trước. Rồi sau đó, nhà nhà lại rủ nhau đi hái lá Mùng 5. Bà con cho rằng, đây là thời khắc có dương khí, là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm.

Lá cây, hoa cỏ được hái vào giờ này có tác dụng chữa bệnh khá tốt, nhất là bệnh đường ruột, chứng cảm mạo, các chứng âm hư... Người ta hái nhiều loại lá có trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhưng không thể thiếu lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tía tô, lá tre, lá bưởi, lá cam, chanh, quýt, mít, gừng, trầu... để về làm thuốc.


“Tết Đoan Ngọ đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người xứ Quảng. Đây cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ, trông vọng tổ tiên, gặp gỡ người thân và bà con lối xóm”.
Ông Cao Văn Chư-  Phó Giám đốc Sở VH- TT& DL.
Ngày nay, người quê đi hái lá để bày bán ở chợ Tết Mùng 5 cũng khá nhiều. Ở chợ phiên Tam Bảo, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) có một thời cứ đến dịp Mùng 5.5, đồng bào Hrê mang nhiều loại lá rừng để bày bán và có kèm những lời chào mời “lá được hái từ những bàn tay của già làng”.

Những năm gần đây, nơi phố thị, không có nhiều nhà vườn, cỏ cây nên người dân quê đã mang về xuôi đủ loại lá cây để bán, các loại lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, các mẹ, các chị chọn mua những lá mình thích đem về để dành dùng trong năm.

Muôn nẻo tìm về

Bây giờ cuộc sống khá dần lên, nên Tết Đoan Ngọ nhà nhà mua sắm chuẩn bị mâm cúng gia tiên trang trọng hơn. Ngoài những loại cây trái địa phương, nhiều nhà còn mua cây trái trong Nam ngoài Bắc chuyển vào nên rất phong phú về chủng loại. Dịp Tết Đoan Ngọ với nhiều gia đình cũng là lúc sum vầy, đoàn tụ của con cái đi làm ăn xa.

Bà Huỳnh Thị Đào (85 tuổi) tổ 8, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), cho biết: Thời trẻ bà làm công chức nhà nước nên bộn bề công việc, nhưng cứ đến dịp Mùng 5.5 là tập trung con cháu về quê ở Đức Hiệp (Mộ Đức). Trong xóm hầu hết đều vẫn giữ việc cúng hoa quả, chè xôi và có những món mặn để người thân trong gia đình cùng nhau hàn huyên. Ngày Tết Đoan Ngọ, ở thị thành trời nắng nóng, đưa bọn trẻ về quê đồng bãi rộng rãi, cây xanh có nhiều nên chúng vui chơi thích lắm”.

Còn ở vùng biển, dịp Tết Đoan Ngọ thường là nơi hội tụ của dân chài. Sau những chuyến xa khơi bà con neo tàu dọc các vùng cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á... để cúng gia tiên, cúng ở các dinh Bà, lăng Ông cầu mong trời yên biển lặng, thuyền đầy cá tôm. Đấy cũng là nét văn hóa được các thế hệ người dân Việt Nam lưu truyền từ đời này sang đời khác.       

Nguồn : baoquangngai.vn

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét