Hiệu quả cao
Ông Võ Tấn Chánh, thôn Nhơn Hòa 2 cho biết: “Đây là vụ thứ hai tôi trồng dưa lê Tú Thanh. Vụ trước tôi trồng 3 sào, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng. Đúng là từ trước đến giờ, với diện tích đó, tôi chưa trồng giống cây nào đem lại hiệu quả kinh tế cao đến thế". Nhận thấy hiệu quả mà giống dưa này mang lại, năm nay ông Chánh tiếp tục đầu tư trồng 4 sào dưa lê Tú Thanh.
10 sào dưa lê Tú Thanh của ông Phạm Trung Việt chuẩn bị thu hoạch.
Nói về nguồn gốc của giống dưa lê Tú Thanh, nhiều hộ dân ở đây cho biết, cách đây 3 năm Công ty TNHH Giống cây trồng Kim Hưng Phú ở TP. Hồ Chí Minh (Công ty) về khảo sát và hợp đồng với một vài hộ dân trồng thử giống dưa này. Giống được Công ty ươm lên mầm và bán cho các hộ dân với giá 1.500 đồng/cây. Trung bình mỗi hécta sử dụng gần 9.000 cây giống, với chi phí trên 13 triệu đồng.
Trong quá trình trồng, cán bộ của Công ty thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc, phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật. Về vấn đề đầu ra, theo thỏa thuận, Công ty thu mua dưa loại 1 với giá 9.000 đồng/kg; dưa loại 2 giá 4.500 đồng/kg. Còn dưa có trọng lượng trên 2,5kg Công ty không mua. Ngoài ra, yêu cầu kỹ thuật khi trồng dưa là phải đảm bảo an toàn, sử dụng phân hữu cơ để bón, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích...
Hiện nay, 10 sào dưa lê Tú Thanh trồng tháng 3.2016 của ông Việt sẽ cho thu hoạch vào trung tuần tháng 6 này. Còn 10 sào dưa trồng đợt 2 đang phát triển tốt. Theo tính toán của ông Việt, mỗi sào dưa lê Tú Thanh đạt năng suất khoảng 1,5 tấn; trừ chi phí đầu tư có thể cho thu nhập trên 4 triệu đồng.
Cần sự liên kết chặt chẽ về đầu ra
Dưa lê Tú Thanh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở cánh đồng Cây Da, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở xã Bình Tân. Tuy nhiên, đây là giống dưa rất khó chăm sóc, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thời gian gần đây. Hơn nữa, với yêu cầu khắt khe là trọng lượng của dưa không được lớn hơn 2,5kg, nhưng cũng không được thấp hơn 1,2kg. Vì vậy, buộc người trồng phải tuân thủ theo đúng yêu cầu mà đơn vị liên kết đưa ra.
Bên cạnh đó, đây là giống dưa chỉ có thể liên kết với doanh nghiệp mới giải quyết được đầu ra. Bởi tuy có giá trị cao hơn dưa hấu nhiều, nhưng giống dưa này không thông dụng như dưa hấu, nên người nông dân không thể tự bán ra thị trường. Do vậy, người nông dân muốn trồng giống dưa này thì phải liên kết với Công ty.
Theo hợp đồng đã ký thì trong vụ đầu tiên, Công ty cho mượn phân với 1 bao/sào; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật và sẽ thu mua lại sản phẩm cho dân. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng ký kết giữa Công ty với các hộ dân chứ không thông qua xã, nên xét về tính pháp lý thì thiếu sự đảm bảo. Do đó, để cây dưa lê Tú Thanh đem lại hiệu quả kinh tế bền vững trên đất Bình Tân, chính quyền địa phương cần có sự giám sát; đồng thời là “cầu nối” trong sự liên kết giữa “4 nhà”, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Nguồn : baoquangngai.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét