Cánh đồng thôn Hùng Nghĩa mùa này trơ gốc rạ, đất nứt trắng toát. Nhà ông Nguyễn Ngọc Mai nằm bên con đường làng gần cánh đồng. Năm xưa, trên những cánh đồng này là cuộc sống của người dân trong làng và gia đình ông. Mùa nối mùa, bà con làm quần quật nhưng vẫn không thể lo đầy đủ cho con. Những suy nghĩ về tương lai các con như thế cứ đứt quãng trong đầu ông mỗi khi thấy con sống trong cảnh thiếu thốn. Thế rồi, trong một chiều hôm mưa dông năm ấy, ông quyết định vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh.
Hành trang ông mang theo chỉ vài ba bộ đồ, chiếc xe máy cũ, 1 chỉ vàng và bệnh tật trong người. Khi bước chân chạm đất phương Nam, việc đầu tiên ông tìm đến là một bệnh viện nhỏ để chữa trị bệnh. Sau thời gian hơn 1 tháng sức khỏe bình phục, ông bắt đầu đứng ở những ngã ba, chợ, nơi đông người để hành nghề xe ôm. Những ngóc ngách của đô thị lớn nhất miền Nam chốc lát đã thuộc lòng trong ông theo những vòng xe hối hả. Đây cũng là lúc ông nhớ nhà quay quắt, nhớ vợ hiền, nhớ con thơ sống thiếu thốn sự dạy bảo của cha.
Vợ chồng ông Mai cảm thấy mãn nguyện khi kể về những người con của mình...
Thế là sau những giờ bôn ba ban ngày, đêm về thay vì ngả lưng nghỉ lấy sức cho công việc ngày mai, ông lại lang thang ở những hiệu sách cũ tìm kiếm các loại sách quý để làm quà cho con. Ông Mai bộc bạch: “Ngày trước làm gì có điện thoại để nhắn tin hay nói chuyện hết ý. Mỗi lần gửi sách đi, tôi lại kèm theo bức thư khuyên bảo, chỉ dạy cho các con cách học tập”. Mỗi từ, mỗi câu ngắn gọn trong thư đều gói trọn nỗi niềm của người cha nên các con ông hiểu mà ra sức học hành. Thế rồi, người con đầu Nguyễn Ngọc Phú (1979) của ông cũng đã thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa, ngành công nghệ thông tin. Lập tức niềm vui này được lan nhanh trong xóm trọ nơi ông ở. “Vui lắm, nhưng cũng lo nhiều. Đêm đó không sao chợp mắt được. Cứ trằn trọc suy ngẫm, ngày mai, ngày kia con mình sẽ vào đây học thì phải làm cách gì để có chỗ ăn, chỗ học...”, ông Mai nhớ lại.
Nỗi lo của ông đã được anh em trong phòng trọ cùng cảnh ngộ động viên, chia sẻ. Trong phòng ông ở ngày đó, lúc nào cũng có từ 5-7 người trong khi diện tích chưa đầy 25m2. Thế nhưng, mỗi người vẫn tự dàn xếp chỗ nằm, chỗ ở của mình để chừa một khoảng trống đón một thành viên mới vào ở. “Mấy anh em ai cũng hiểu ở vậy là khập khiễng về tuổi tác, về chí hướng... Nhưng vì tình yêu thương của mọi người xem con tôi như chính con họ nên mọi khó khăn đều được hóa giải”, ông Mai xúc động kể.
Đưa được người con đầu vào TP.HCM học tập, ông Mai không ngày nào ngơi nghỉ. Những vòng xe của ông hối hả hơn, nhanh hơn. Thế nhưng, đồng tiền kiếm được từ những vòng xe ôm ấy như muối bỏ biển khi người con thứ hai Nguyễn Ngọc Đức đỗ đại học ngành xây dựng.
Khi người con thứ hai nhập học cũng là lúc ba cha con ông phải tìm nơi ở mới. Mọi nỗi lo một mình ông gồng gánh. Ông phải đóng trọn hai vai, vừa lo kinh tế, vừa kiêm là người phụ nữ biết tính toán chi phí. Bà Trần Thị Xuân (vợ ông Mai) hiểu nỗi vất vả của chồng nên làm chỗ dựa vững chắc cho ông, ở nhà khuyên bảo, dạy con noi gương các anh học tập. Thế rồi, lần lượt các em của Ngọc Đức, Ngọc Phú cũng vào đại học nông lâm, sư phạm... Song hành niềm vui thì ông Mai cũng đong đầy những mối lo toan chồng chất. Ngày nghỉ, ngày lễ Tết, hay ngày Quốc tế lao động ông đều không cho phép mình nghỉ ngơi. Vì những ngày này, ông kiếm được tiền nhiều hơn, nhằm tích góp cho các con đóng học phí, sắm bộ quần áo mới khi con nhập trường...
Hơn 20 năm lao động cần mẫn trên đất TP.HCM, ông Mai đã lần lượt đưa 5 người con của mình tốt nghiệp đại học. Giờ đây, khi các con ông đã có nghề nghiệp ổn định, ông mới trở về bên người vợ hiền vui sống cuộc đời điền viên.
Rời khỏi nhà ông, trong tôi vẫn không sao quên được hình ảnh một người cha cần mẫn, dành trọn niềm yêu thương chăm chút cho con cái, đôi lúc quên cả sức khỏe của mình chỉ vì tương lai của đàn con trẻ.
Bài, ảnh: MAI HẠ baoquangngai.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét