Ông Nguyễn Thế Bổn cùng người mẹ già chuẩn bị bữa cơm
Xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) có 1.590 hộ, với 9.332 nhân khẩu, trong khi đó chỉ vỏn vẹn gần 200ha đất nông nghiệp. Đất chật, người đông nên nông dân không sống nổi với nghề nông. Vài ngàn người đua nhau rời làng quê đến những vùng đất hứa mưu sinh.
Con không nhận mẹ
Tôi đến trụ sở UBND xã Tịnh Long vào lúc sáng sớm, tranh thủ lúc cán bộ xã chưa làm việc bước vào quán ăn sáng. Từ đằng xa một nhóm học sinh tiểu học đạp xe đến dừng trước quán, chúng vào gọi đồ ăn. Đứa nào đứa nấy ăn ngon lành, chúng tự gọi đồ, ăn xong, móc túi trả tiền rồi đạp xe đến trường.
Tôi bảo với chủ quán, bọn trẻ ở đây ngoan thật, chẳng cần ba mẹ đưa đón. Nghe tôi nói vậy, chị chủ quán cười: “Trăm đứa như một! Chúng tự đi học, chẳng cần ai đưa đón. Mà có muốn đưa đón thì ba mẹ chúng cũng không có ở nhà, ai cũng đi làm ăn xa cả. Ở đây, chúng như người lớn, cái gì cũng tự lập hết".
Chị chủ quán này nói thêm: Làng quê bây giờ chỉ vui ba ngày Tết, còn giờ vắng teo. Người vào Sài Gòn, người lên Tây Nguyên, Đông Nam bộ làm thuê. Người dân Tịnh Long có mặt khắp các tỉnh miền Nam.
Gặp ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, hỏi về thực trạng người dân rời quê đi làm ăn xa như thế nào? Tôi vừa nói được mấy từ, ông bảo rằng: Tôi đã hiểu những gì anh cần biết. Tịnh Long chưa phải là xã điển hình của Quảng Ngãi về việc nông dân ly hương, nhưng số lượng người dân rời quê làm ăn xa không phải là ít.
“Cả xã vỏn vẹn 200ha đất nông nghiệp, trong đó 120ha trồng lúa, 80ha trồng hoa màu. Cứ tính ra một người được mấy đất đâu, bám vào đây thì lấy gì để trang trải cuộc sống. Do đó, người dân đành rời quê mưu sinh. Họ đi khắp nơi, người lên Tây Nguyên, người vào những thành phố lớn làm thuê. Làng quê, giờ chỉ còn người già là chủ yếu”, ông Tuấn bày tỏ.
Tôi hỏi tiếp: Ở đây có nhiều gia đình gửi con cái cho ông bà chăm sóc để đi làm ăn không? Ông Tuấn nói ngay: Nhiều đấy, xã chưa thống kê hết. Quanh trụ sở UBND xã có đến cả chục hộ rồi. Ông nói tiếp: Thấy bọn trẻ lớn lên xa vòng tay ba mẹ tội lắm, có đứa ông bà chăm sóc tốt thì ngoan ngoãn, có những đứa không nghe lời thì nghiện game, trốn học đi chơi. Xã chỉ hạn chế các quán game hoạt động, rồi thông qua nhà trường tuyên truyền cho các em hiểu mà thôi.
“Không đi làm ăn xa thì không có tiền nuôi con cái, ở quê bây giờ ruộng ít, làm cái gì ra tiền cũng khó. Trong khi đó, đi làm ăn, một ngày kiếm được vài trăm ngàn hơn hẳn ở quê. Nhà nước có nhiều chương trình đào tạo nghề nhưng chẳng giải quyết được bao nhiều lao động, mà có làm thì thu nhập thấp hơn đi làm ăn xa, do đó họ ra đi, không ở lại địa phương”, ông Tuấn nói.
Trời về trưa, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Thế Bổn (62 tuổi) thôn Tăng Long, xã Tịnh Long thì ông cùng mẹ của mình đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Ông Bổn nhặt rau, mẹ của ông rửa cá. Thấy người lạ, ông ra tiếp chuyện. Ông Bổn kể: Gia đình có 2 người con nhưng đều ở Sài Gòn làm ăn, mỗi năm chúng chỉ về được 1 lần.
Trong đó, có người con gái lấy chồng về xã Tịnh Thiện cạnh bên nhưng cuộc sống ở quê làm ra đồng tiền khó khăn, hai vợ chồng sinh con rồi gửi cho ông bà ngoại chăm sóc.
“Đẻ ra được 18 tháng, chúng nhờ tôi nuôi, 2 đứa lên đường vào trong đó làm ăn. Ba nó làm công nhân xây dựng, mẹ nó làm công nhân ở công ty lắp rắp điện tử, đến nay con bé đã 4 tuổi nhưng chỉ về thăm con được có mấy lần. Giờ gặp ba mẹ, tôi mở máy tính rồi hai bên nói chuyện qua facebook”, ông Bổn kể.
“Nhiều lúc thương con, thương cháu lắm nhưng không biết làm sao cả. Để chúng về quê ở thì bám vào chừng 1 sào đất không đủ sống. Còn đưa cháu vào đó, nhà cửa thuê trọ chật chội, nhất là chuyện đi học ở Sài Gòn tốn kém rất nhiều lần ở đây. Trong khi đồng tiền kiếm được không dư giả cho lắm. Ngày còn nhỏ, mẹ nó về thăm nhưng con không nhận mẹ, cháu chỉ quấn quýt với ông bà. Ở được vài hôm, khi con bé cho ba mẹ bồng bế, quen được tí thì lại đi. Thấy cảnh đó mà chảy nước mắt nhưng biết làm sao, phải xa con đi kiếm sống”, ông Bổn chua xót.
Ông Bổn là giáo viên về hưu, đáng lẽ ở cái tuổi của ông có được đồng tiền dành mua thức ăn bồi bổ sức khỏe, sống tuổi già, thế nhưng ông ăn không đành. Ông có được đồng lương hưu nào thì dành cho cháu, khi mua sữa, mua áo quần...
“Con trai tôi vừa cưới vợ, cứ đà này vợ nó sinh con lại gửi về quê nhờ ông bà nuôi thôi. Biết làm sao giờ, mình chấp nhận hi sinh vì con cái, tiếp tục thay cha mẹ chúng chăm sóc cho các cháu nên người”, ông Bổn chia sẻ.
Cơ cực quá đành cắn răng đi
Cạnh nhà ông Bổn, vợ chồng ông Lê Hậu có 5 người con. Ông Hậu làm thợ xây ở TP Quảng Ngãi, sáng đi xe máy, chiều mới về nhà. Còn vợ đang làm thuê ở Sài Gòn. Ông Hậu cho hay: Thời điểm này ở quê xây dựng nhiều nhà cửa nên về đây tìm việc làm, còn không đi vào trong đó với vợ làm ăn. Các con gửi lại ông bà nội chăm sóc hết.
“Gia đình có 3 sào ruộng, làm lúa chỉ đủ ăn, cuối vụ nếu bán lúa thì hòa vốn. Ở đây muốn có việc làm rất khó nên phải rời quê. Ai không muốn sống ở quê mình, nhưng cơ cực quá, đành phải cắn răng đi xa làm ăn. Chịu cảnh xa con, xa nhà nhưng đổi lại có được đồng tiền để nuôi con ăn học. Đến nay có 3 người con đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học, 2 đứa học cấp 2”, ông Hậu bày tỏ.
Thế vợ đi miết, ai giặt giũ áo quần, tắm cho bọn trẻ? Ông đáp: Chẳng ai nữa ngoài tôi, sáng thức dậy nấu ăn cho chúng ăn đi học, rảnh tay giặt áo quần luôn. Cứ làm miết rồi quen thôi chú ạ.
Theo ông Hậu, mỗi tháng làm đủ công, ông kiếm được tầm 4 triệu đồng, cộng với khoản tiền vợ gửi về chừng 3 triệu, tính ra hơn hẳn làm ruộng. “Để có được đồng tiền, vợ tôi thuê một căn phòng có đến 5 người ở, nhưng chịu khổ quen rồi nên chẳng sao. Cuộc sống mà, chấp nhận chứ biết tính sao”, ông Hậu thở dài.
Cũng tại thôn Tăng Long căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Tuấn đóng cửa nhờ hàng xóm trông coi. Vợ chồng anh đều vào Sài Gòn mưu sinh. Anh làm phụ hồ, vợ bán vé số. Trước đây, ông bà nội còn sống, hai vợ chồng gửi con cho ông bà chăm sóc, từ ngày ông bà qua đời, người thân thích không còn, họ đón con vào trong đó thuê nhà trọ ở.
Căn nhà của Nguyễn Tuấn đóng cửa, nhờ hàng xóm trông coi
“Không riêng gì đình anh Tuấn mà người trong thôn nhiều gia đình đóng cửa đi làm ăn xa, người gửi con cho ông bà, người nào không có người thân thì mang con đi cùng. Có gia đình năm về được một lần, có gia đình đi vài ba năm mới về”, hàng xóm anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết, để níu chân nông dân có việc làm tại địa phương, chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần nhưng chưa có kết quả khả quan. Trong thời qua xã mở được 5 lớp đào tạo nghề cho bà con, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả. Lớp đào tạo nghề trồng hoa cây cảnh thì bà con không có đất sản xuất; nghề trồng nấm thì đầu ra tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, thu nhập không ổn định và nghề nấu ăn không có việc làm thường xuyên.
Nguồn : baomoi.com
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét