Chịu không nổi nhạc, bò tháo chuồng chạy qua đường rây và bị tàu hỏa tông chết. Ảnh minh họa
Nhiều chủ lò mổ lắc đầu từ chối trước 2 con bò bị nghiền nát, bà C. đành xẻ thịt bán được gần 5 triệu đồng, phần còn lại phải mang chôn sâu vào lòng đất cùng với nỗi xót xa. “Hai con bò này vừa được thương lái trả hơn 40 triệu đồng nhưng tôi chưa bán, ráng nuôi thời gian nữa để kiếm thêm chút ít. Nào ngờ, khi nhạc giật đùng đùng thì chúng hoảng hốt tung chuồng. Tôi vội chạy quanh nhà tìm cây cột thêm vào cho chắc chắn nhưng không kịp…” – bà nghẹn ngào.
Bị đánh chết vì giành hát
Bò, trâu tháo chuồng chạy hoảng loạn khi nghe nhạc phát ra từ những chiếc loa công suất lớn trong đám, tiệc là chuyện thường ngày ở quê. Nhiều người lắc đầu ngao ngán khi đến dự đám, tiệc mà gia chủ thuê nhạc sống để góp vui. Cách xa chiếc loa đến vài mét, nhưng âm thanh vẫn dội rêm lồng ngực, như muốn xé toang màng nhĩ. Tội cho những bậc cao niên với râu tóc bạc phơ ráng sức đến dự để mừng cho con cháu và gặp gỡ, chuyện trò với họ hàng sau bao ngày xa cách. Nhưng ngồi chưa ấm chỗ đã vội bảo cháu con đưa đến nơi khác nghỉ ngơi vì không thể chịu nổi âm thanh khủng khiếp như thế.
“Đám tiệc là nơi để quan khách trò chuyện, tâm tình với gia chủ, nhưng âm thanh quá ồn ào nên đành phải ra hiệu bằng tay. Bữa trước, tôi dự đám cưới con trai của người bạn, bị sắp xếp ngồi gần 2 chiếc loa công suất lớn nên cả bàn phải dùng giấy ăn nhét vào lỗ tai. Tuy vậy, chỉ hơn mươi phút sau thì tất cả đều đứng dậy ra về vì chịu không thấu…” chị Trần Thị Nhung, cán bộ phụ nữ xã Phổ Cường (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi), bức xúc.
Anh Trần Bình, chủ một giàn nhạc ở xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ cho biết: Gia đình anh đầu tư hơn 120 triệu đồng mua thiết bị âm thanh cùng với đàn organ để phục vụ tại các đám tiệc nhưng bị nhiều người chê dở, nhất là giới trẻ. Bởi vì, dàn nhạc của anh chỉ có 8 loa nên “chơi không bốc, không quậy tưng cả xóm để cho mọi người biết nhà có đám”. Vì thế, nhiều người đành phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua sắm trang thiết bị cùng với 12 – 14 loa công suất lớn để thu hút khách. “Những dàn nhạc như thế khi mở hết công suất thì khách khứa không thể nào chịu nổi” – anh khẳng định.
Những "nghệ sỹ chân quê" tại một tiệc cưới
Đám cưới ở quê giờ thường tổ chức đãi tiệc 2 ngày với nhạc sống ầm ĩ gây huyên náo xóm làng, xảy ra chuyện đau lòng. Cuối năm 2012, tại địa bàn xã Phổ Khánh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) xảy ra vụ án làm hai người thương vong sau cuộc hỗn chiến giữa hai nhóm thanh niên dự tiệc đêm trước ngày cưới. Dù không được mời, nhưng khi nghe tiếng nhạc nổi lên rộn rã, hai nhóm thanh niên ở xã Phổ Khánh và xã Phổ Cường kéo nhau đến dự tiệc.
Rượu ngà ngà say, họ tiến lên sân khấu rồi thản nhiên giành micro để ca hát giữa những người lắc lư, quay cuồng theo tiếng nhạc sôi động. Ẩu đả xảy ra ngay sau đó với hung khí là dao và gậy tre gây náo loạn xóm làng giữa đêm khuya. Hậu quả là một thanh niên tử vong, bỏ lại vợ trẻ và con thơ chưa kịp chào đời, một người bị thương nặng suýt chết. Sáu bị cáo tuổi đời mười tám, đôi mươi lãnh án 81 năm tù trước sự xót xa của nhiều người tham dự phiên tòa.
“Không nhạc sống thì khỏi đến”
Nhiều người ngán ngẩm với âm thanh ầm ĩ từ dàn nhạc sống nhưng vẫn phải thuê đến “góp vui” mỗi khi gia đình tổ chức đám, tiệc. Nhiều người lắc đầu thổ lộ: “Sống ở quê khó lắm chú à! Thuê dàn nhạc mất cả tấn thóc chứ đâu phải ít tiền. Âm thanh ầm ĩ làm cho bà con, anh em chả nói được với nhau câu nào, nhức hết cả óc, làm phiền đến xóm giềng. Nhưng nếu không thuê thì sẽ bị nhiều người dè bỉu, bảo là đồ hà tiện, ngày vui của con mà so đo tính toán. Ngại nhất là đôi vợ chồng trẻ. Nếu gia đình không thuê nhạc sống thì ra đường chẳng dám nhìn chúng bạn, đám cưới chắc cũng chẳng có bạn bè đến dự…”.
Cuối năm 2014, gia đình tôi tổ chức đám cưới cho cậu em trai với ý định ban đầu không thuê nhạc sống phục vụ trong bữa tiệc. Vừa nghe thông tin ấy thì nhiều người trong họ và bà con láng giềng phản đối ra mặt, đám thanh niên thẳng thừng: “Không có nhạc sống thì khỏi đến…”. Tôi phải gọi điện thuê dàn nhạc anh Bình kèm điều kiện chỉ mang đến thiết bị tăng âm cùng đàn organ với 6 chiếc loa và điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe. Trước khi sang nhà gái rước dâu, tôi dặn kỹ anh và nhạc công chỉ được mở nhạc sau 8 giờ 30 phút sáng để dành thời gian cho những bậc cao niên chuyện trò.
Vừa từ nhà gái trở về, tôi đã nghe những lời trách cứ: “Chú kêu dàn nhạc tệ quá. Âm thanh quá nhỏ nghe chẳng ra gì cả. Khách đến cả buổi rồi mà không chịu chơi…”. Anh Bình lắc đầu than thở: “Sắp tới, dàn nhạc của tôi chắc ế quá. Nhiều vị khách vừa đến liền bảo mở nhạc cho họ hát nhưng do điều chỉnh âm thanh nhỏ nên họ chê bai đủ điều. Họ bảo là phải mở nhạc rộn rã mới ra đám cưới…”.
“Đàn theo ta đi…”
Những nhạc công biểu diễn tại các đám tiệc ở làng quê hầu hết chưa được đào tạo bài bản, chỉ học chắp vá dăm ba tháng từ những người đi trước. Thế nhưng họ được chào đón hơn cả những nghệ sỹ tốt nghiệp tại các trường âm nhạc chính quy. Bởi vì, chơi nhạc cho dân quê không giống như ca sỹ chính hiệu, phải biết “đàn theo ta đi” khi người hát sai nhịp điệu do không am hiểu âm nhạc hay trong những lúc chếch choáng men say.
"Ca sỹ làng quê" biểu diễn tại tiệc cưới
Và để góp phần ồn ã không thể thiếu người dẫn chương trình (còn gọi là em-xi – MC), nói cười từ sớm đến đêm khuya. Do chưa qua trường lớp, chỉ “nói riết rồi thành quen” nên lắm khi xảy ra những tình huống không thể ngờ. Trong một tiệc cưới, có lẽ do ngẫu hứng nên người dẫn chương trình pha trò với câu: “Muốn ăn thì đi Thạch Trụ (một địa danh thuộc huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi)/ Muốn đ… thì đến Mỹ Trang" (một thôn thuộc xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Dự tiệc cưới có nhiều thanh niên ở Mỹ Trang ngất ngây men bia với những gương mặt đỏ tựa gà chọi. Họ liền kéo lên giàn gỗ bên trên yêu cầu anh ta phải xin lỗi trước quan khách và đảm bảo sẽ không nói câu ấy ở những nơi khác. Nhưng người dẫn chương trình từ chối khiến cho bữa tiệc xảy ra trận ẩu đả phải nhờ đến sự can thiệp của công an xã mới dẹp yên.
Cô bạn tôi khá xinh thường dẫn chương trình tại đám tiệc với những lời nói êm dịu tựa mật rót vào tai. Khi cô đứng trên giàn gỗ với dáng điệu thướt tha làm cho nhiều đấng mày râu phải ngước nhìn. Và cũng chính vì điều ấy khiến cho cô gặp khá nhiều phiền toái. Một người đàn ông mặt đỏ gay mang hoa lên tặng bất chợt ôm ghì cô vào người rồi hôn tới tấp trước sự ngỡ ngàng của quan khách. Cô vùng vẫy thoát khỏi vòng tay của người đàn ông khả ố rồi chạy đến nơi vắng khóc rấm rứt như trẻ thơ bị đòn oan.
“Nhiều khi đang dẫn chương trình gặp phải ông dê xồm đến gần kéo váy, sờ vào những nơi nhạy cảm trên cơ thể em chỉ biết né tránh. Lắm lúc bực mình em định chửi lại nhưng phải ráng nhịn vì ngại mích lòng gia chủ. Những lúc như thế em muốn bỏ nghề nhưng phải cắn răng chịu đựng để kiếm tiền lo cho cha mẹ và em trai ăn học. Có lẽ đàn ông không ưa con gái làm nghề này nên họ chỉ đùa vui chứ chưa có ai ngỏ lời yêu thật lòng với em cả…” – cô tâm sự.
Anh Trần Bình thật thà: “Mình làm thuê, góp vui cho mọi người nhưng ít khi nhận được sự quan tâm của gia chủ. Nhiều lúc quá giờ so với giao ước nhưng họ vẫn bảo chơi tiếp để chiều lòng quan khách. Cỗ bàn ê hề nhưng bụng đói meo. Nhiều người cứ nghĩ rằng, thuê giàn nhạc thì phải chơi cật lực để xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra…”.
“Chúng tôi cũng ngao ngán tình trạng này lắm rồi nhưng rất khó xử lý vì không có máy đo âm thanh. Với lại, tại tiệc cưới như thế này chẳng lẽ cả đoàn kiểm tra mang máy đến rồi lập biên bản xử phạt!”, một cán bộ văn hóa Quảng Ngãi thừa nhận. Vậy nên đám tiệc vẫn cứ tiếp diễn với những âm thanh “quậy tưng” xóm làng. Phía sau vẻ náo nhiệt ấy là những tiếng thở dài và nỗi niềm biết tỏ cùng ai…
Nguồn: baomoi.com/Hai-con-bo-chet-vi-nhac-dam-cuoi/c/18733509.epi
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét