Về xã Nghĩa Hòa (TP. Quảng Ngãi) trong những ngày này đến đâu cũng nghe thoảng mùi hương của nhang tỏa ra thơm ngát. Tết như đang đến sớm hơn với những người dân làng nghề này. Bà Ngô Thị Loan, một trong những người làm nhang lâu năm ở Nghĩa Hòa cho biết: “Tranh thủ mấy ngày nắng làm nhang phơi rồi cất vô kho để bán vào dịp Tết. Thời tiết năm nay cũng không biết thế nào nên nếu không làm để dự trữ sớm, sợ cuối năm trời mưa không làm được. Ở đây ruộng đất ít, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nhang”.
Nghề làm nhang truyền thống ở xã Nghĩa Hòa, TP. Quảng Ngãi.
Nghề làm nhang tất bật quanh năm, nhưng giai đoạn cao điểm là từ tháng 6 trở đi bà con làng nghề tập trung nhân lực, nguyên liệu để làm hàng Tết. Nghề này trải qua nhiều công đoạn, nhưng công đoạn phơi giữ vai trò quan trọng. Bởi phải có nắng thì nhang mới khô và thơm. Để làm được những nén nhang thơm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo mà cần cả cái tâm của người thợ.
Theo người dân làng nghề thì thời tiết năm nay nắng nhiều nên rất thuận lợi cho việc làm nhang. Hơn nữa, nghề làm nhang ở Nghĩa Hòa bây giờ đã khác trước, vì hầu như nhà nào cũng có máy làm nhang tự động chứ không còn làm bằng máy thô sơ. Chính vì thế, năng suất đã tăng lên đáng kể. Chị Trang Trịnh Ngọc Uyên, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có hai máy làm nhang thủ công. Công việc nhiều nên tôi phải thuê thêm 3 lao động nữa mới đáp ứng được. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, tôi đã chuyển sang làm bằng máy tự động, năng suất cao gấp đôi. Vì vậy, tôi chỉ thuê thêm một lao động chính với ba người trong gia đình phụ vòng ngoài là đủ”.
Còn tại làng nghề làm chổi đót ở thôn Đại An Đông I, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), không khí chuẩn bị hàng Tết cũng nhộn nhịp, tất bật không kém. Chị Trần Thị Mười – Trưởng thôn Đại An Đông I cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm tháng 11, 12 âm lịch là chị em trong thôn lại tất bật làm chổi đót để bán trong dịp cuối năm. Cũng nhờ có nghề này mà hầu hết chị em trong thôn đều có công ăn việc làm, lại vừa lo được công việc gia đình, chăm sóc con cái, hạn chế tình trạng đi làm ăn xa”.
Nghề làm chổi đót ở thôn Đại An Đông I có từ lâu đời. Để tạo ra những cây chổi đẹp, chất lượng thì đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, khéo tay của những người thợ lành nghề. Bà Lê Thị Hoa – người có trên 20 năm gắn bó với nghề làm chổi đót cho biết: “So với mọi năm thì năm nay chổi đót tiêu thụ mạnh hơn. Từ đầu năm đến giờ, tôi đã làm hơn 3 tấn đót, đưa ra thị trường hàng nghìn cây chổi. Các sản phẩm làm ra đều bỏ mối cho các đại lý ở TP.Quảng Ngãi. Riêng tháng Chạp thì các mối quen đến tận nhà để mua hàng, giá cả cũng cao hơn nên việc làm ăn rất thuận lợi”.
Mặc dù, trên thị trường ngày càng có nhiều loại chổi được dập bằng máy nên giá cả rất “mềm”. Tuy nhiên, sản phẩm chổi đót truyền thống vẫn luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Điều này lý giải vì sao, làng nghề chổi đót vẫn phát triển và ngày càng ăn nên làm ra. Hiện toàn thôn Đại An Đông I có hơn 100 hộ làm nghề chổi đót. Trung bình một ngày mỗi lao động thu nhập khoảng 80.000 – 100.000 đồng từ nghề bó chổi. Đặc biệt, những ngày giáp Tết, thu nhập của mỗi người có thể tăng lên gấp ba bốn lần.
Trụ vững với nghề truyền thống
Trong khi nhiều làng nghề trong tỉnh dần bị mai một, thì làng nhang Nghĩa Hòa vẫn trụ vững. Sự năng động trong tiếp cận máy móc hiện đại đã đem lại năng suất cao, giảm công lao động, giảm chi phí cho người dân làng nghề. Đồng thời, việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nhang Nghĩa Hòa ngày một phát triển, không chỉ cung cấp ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận.
Bài, ảnh: HỒNG HOA baoquangngai.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét