Ăn ngủ cùng hoa
Đến làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) vào những ngày này, dễ dàng bắt gặp cảnh người người, nhà nhà hối hả, tất bật chăm chút, không ngơi tay nhổ cỏ, tưới nước, cắm cháy, giăng lưới, tưới phân cho hoa... Đây được cho là thời điểm quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của cả vụ hoa.
Năm nay, anh Nguyễn Hoàng Quân, ngụ ở thôn Hải Môn trồng 500 chậu hoa cúc để bán Tết. Cả khu vườn của anh Quân phủ kín bởi hàng trăm chậu cúc xanh ngắt, kín cả lối đi, gần 20 triệu đồng vốn liếng đã dồn vào đây.
Anh Quân bảo: Dân gian có câu "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" thì nghề trồng hoa ăn cơm… chạy! Tiền không nói mà công quá nhiều, suốt ngày hai vợ chồng tối mặt tối mũi ngoài vườn hoa, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Loay hoay tưới phân cho hoa, vợ anh Quân chia sẻ: Thời điểm này hoa phát triển nhanh, cành lá xum xuê nên rất vất vả cho khâu chăm sóc, túc trực ngày đêm. Trời nắng một ngày phải tưới đến hai lần nước. Thỉnh thoảng có những cơn mưa bất chợt, mà mỗi khi bị mưa trôi thuốc, trôi phân, người làm vườn phải tốn chi phí bơm lại từ đầu mới mong cây sinh trưởng và phát triển đúng tiến độ.
Thời điểm này, người trồng hoa cúc đang ăn ngủ cùng vườn hoa.
Đêm đến phải điều tiết ánh sáng điện phải đều, nếu không hoa sẽ đóng búp. Đối với hoa cúc, điện có tác dụng kích thích cây phát triển chiều cao, ngăn cây ra hoa sớm. Công đoạn quan trọng như nhặt những búp ra sớm, hái đọt phải làm dứt điểm trong vòng vài ngày ba ngày để kéo dài cây sẽ mất sức, chất lượng kém. Chủ vườn thay phiên canh giữ ngày đêm, kịp thời phát hiện bệnh.
Tỉ mỉ cắt từng búp đơm sớm, anh Nguyễn Tấn Vinh ở thôn Đồng Viên chia sẻ: “Năm nay thời tiết thuận lợi hơn cho người trồng hoa vì không có bão, lụt. Qua hai ba tháng mười như ông bà ta nói: “ông tha, bà không tha” tạm thời có thể yên tâm. Giờ chỉ chăm bón cho hoa phát triển tốt, để có được sản phẩm đẹp nhất cung cấp cho thị trường”.
Năm nay, anh Vinh trồng 800 chậu cúc đa dạng kích cỡ. Theo anh Vinh, nghề trồng hoa cúc bây giờ không chỉ có ở Nghĩa Hiệp mà phủ khắp ở nhiều địa phương, nhưng hoa Nghĩa Hiệp vẫn có đất sống bởi sự khác biệt.
Chậu hoa cúc Nghĩa Hiệp lúc nào cũng bung tròn to đẹp, không chỗ cao thấp, đặc biệt khi hoa đã nở bung, nhưng lớp lá dưới chân vẫn tươi xanh chứ không khô úa như hoa cúc ở các nơi khác. Quy trình chăm sóc, xử lý hoa đều giống nhau, nhưng người trồng hoa ở Nghĩa Hiệp với kinh nghiệm, bí quyết xử lý riêng như cách pha thuốc, tỷ lệ phân bón phù hợp với tình hình thời tiết nên năm nào họ cũng có hoa đẹp, nở đúng Tết để cung ứng cho thị trường.
Trồng rồi lại lo
Với những hộ trồng hoa, vụ hoa Tết không chỉ là nỗi lo mất mùa vì thời tiết mà còn là sự thờ ơ của các “thượng đế” khi thị trường hoa cúc Tết những năm qua liên tục mất giá.
Nghĩa Hiệp vẫn là “thủ phủ” của hoa cúc, với hơn 400 hộ theo nghề, nhưng bà con không dám mạo hiểm tăng diện tích và đầu tư trồng những chậu hoa có đường kính lớn mà chỉ tập trung vào chậu có đường kính trung bình 50cm, 60cm.
Với thời tiết thất thường như hiện nay, người trồng hoa lay ơn luôn canh cánh mối lo.
Theo người trồng hoa, chậu hoa có đường kính 80cm, 1m rất khó bán nên bà con đầu tư chậu nhỏ, giá cả phải chăng, dễ tiêu thụ hơn. Anh Quân kể, nếu như Tết năm 2014, chậu đường kính 50 anh bán tới 110.000-120.000 đồng/chậu thì năm vừa rồi giá chưa đến 90.000 đồng/chậu, giá đã thấp lại khó bán trong khi chi phí giống, phân, thuốc trừ sâu, điện thắp sáng đều tăng.
"Năm nay tiền giống, phân bón, thuốc phun, nhân công, đặc biệt là điện thắp sáng… đều tăng, tiền đầu tư cho một chậu hoa khoảng 50.000 đồng chưa kể tiền công, tăng chừng 10.000 đồng/chậu so với năm ngoái. Nếu giá vẫn giữ như cũ thì bà con không có lãi là bao!”- anh Vinh bộc bạch.
Hiện các cánh đồng hoa trồng lay ơn đã bước vào vụ được hơn nửa tháng. Người trồng hoa đặt niềm tin lớn vào Tết này nên ngoài những giống hoa truyền thống, họ còn đầu tư trồng những giống mới, nhiều màu sắc để đáp ứng nhu cầu của người mua như: vàng bê bê, tím cẩm, đỏ đô, đỏ đậm, vàng lưỡi hổ, đỏ Pháp mập…
Năm nay, giá củ giống các loại lay ơn đều tăng mạnh. Để trồng 1 sào lay ơn phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng tiền củ, cộng với tiền cày, phân thuốc, công cán… mỗi sào lay ơn từ khi xuống giống đến khi thu hoạch tốn khoảng 15 triệu đồng, cao hơn năm trước khoảng 2 triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư tăng cao nhưng năm nay các nhà vườn vẫn rất “mạnh tay” tăng diện tích.
Cặm cụi nhổ bỏ từng bụi cải trồng xen canh với hoa lay ơn, ông Ngô Văn Của, ở thôn Bình Đông cho biết, năm nay anh xuống giống 3 sào lay ơn xen vào cải để bán Tết, kiếm thêm chút ít. Năm nay thời tiết không có mưa lũ kéo dài nên hoa vừa xuống giống đã lên xanh tốt.
Thế nhưng, với người trồng hoa lay ơn “đầu xuôi” chưa thể vội mừng. Để “đuôi lọt”, ngoài yếu tố xuống giống đúng thời vụ, kinh nghiệm chăm sóc thì hoa còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nó không chịu được mưa dầm cũng như nắng gắt.
Kinh nghiệm hơn 30 năm trồng hoa, ông Của tặc lưỡi: “Mấy năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường, kinh nghiệm đến mấy cũng không biết đâu mà lần. Trồng hoa lay ơn cũng như đánh bạc, trồng rồi lại lo!”.
Bài, ảnh: Ái Kiều BaoQuangNgai.Vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét