5 phút là có vé tàu tết!
Cò vé giăng trước cổng vào ga Sài Gòn để cò mồi.
Chiều ngày 22/12, chúng tôi có mặt tại cổng ga Sài Gòn, lập tức bị nhiều người phụ nữ chặn đầu xe, nói liến thoắng một hồi: “Vé Tết không em? Về ngày mấy? đi vô đó hết vé rồi, đi đâu? chị lấy cho?”. Lấy lý do đã đặt vé rồi nên chúng tôi tiến thẳng vào trong bãi giữ xe. Vừa gửi xe bước ra ngoài, một “cò" vé tên Châu chừng 35 tuổi, đi xe máy rồ ga chạy đến liến thoắng: “Trong đó đông lắm, hết vé rồi mắc công đứng chờ. Nếu em muốn mua thì chị lấy giùm cho, bao nhiêu vé cũng có!”. “Em muốn mua 2 vé về Quảng Ngãi ngày 28 hay 29 Tết gì đó, có không chị?” - tôi hỏi. Cò Châu lưỡng lự một lúc, sau đó cầm điện thoại nhìn quanh gọi cho ai đó rồi quay lại nói: “Có vé rồi, tiền công 300 ngàn, còn nếu đi vé nhân viên thì 150 ngàn”. Tôi lên tiếng: “Sao mắc thế, ngoài kia bán em có 200 ngàn, mọi năm em vẫn mua có 200 mà…!”. Cò Châu hứ một tiếng to rồi nói lại: “Nay giá đó ai bán nữa em trai, năm trước tụi này bị “hốt’ nên lỗ quá trời, nay ai cũng bán vậy hết, nếu em không mang đủ tiền thì “đặt cọc” trước chị mấy trăm rồi chị giữ vé cho”.
Giả vờ đồng ý, chúng tôi được cò Châu dẫn tới gần bãi gửi xe, thị nói: “Sang bên này lấy vé cho “yên tâm”, chồng tui đang bán ở bên này, tránh mấy “ổng” (công an, bảo vệ ga - PV) bắt gặp”. Tuy nhiên, khi tôi từ chối mua vé phải đúng tên cùng CMND thì Châu tiếp tục trấn an: “Trước giờ quy định vậy, nhưng ai cũng đi được cả, ở đây chị quen hết… em chỉ cần đưa tên và CMND thì 5 phút sẽ có vé liền, chị bảo đảm, nếu mà không lên tàu được thì tụi này làm cò kiếm cơm làm gì?". Lấy cớ phải hỏi thăm ý kiến người nhà để chắc chắn ngày 28 hay 29, tôi quay ra nói lại với Châu rằng chưa chắc được ngày về, nghe vậy Châu bĩu môi: “Vậy mà không nói sớm, mất thì giờ. Nè! Cưng lấy số chị 0909438816, về hỏi ý kiến đi rồi gọi chị, chị giữ vé cho”. Sau đó Châu phun nước bọt xuống mặt đường rồi rồ xe chạy rảo quanh sân ga để tiếp tục tìm mồi.
Cách chỗ cò Châu không xa, cò Tám (tên thường gọi là dì Tám) đang liến thoắng tìm khách, thấy Châu bỏ đi, Tám liền lên tiếng: “Chú cứ mua ở nó, không sao đâu. Chừng nào Châu không lo được thì tới đây tìm Tám, Tám lo cho…”. Cùng lúc, cò Tám đang dụ một nam thanh niên đang là sinh viên muốn mua vé về quê ăn tết vào ngày 22 tháng Chạp. Tuy nhiên không đồng ý với giá “tiền công” của Tám quá cao, nam thanh niên này bỏ đi. Tám liền nói theo: “Giá có sẵn rồi mà còn kỳ kèo... thách mày vô ga ngồi cả ngày mà mua được vé đó…".
Một số cò mồi vé tàu đang đứng bên trong ga Sài Gòn.
Mặc dù khan hiếm vé, nhưng khi ra đến cổng ga, một phụ nữ ngoài 50 tuổi giới thiệu tên Đặng mời chúng tôi ra quán nước để thương lượng. Sau khi biết tôi muốn mua 2 vé về Thanh Hóa ngày 26 Tết, “cò” phán: “Giá vé đã niêm yết trên bảng giá trong ga em chắc cũng đã thấy, ở ngoài này chị chỉ lấy chênh lệch 250.000 đồng/vé. Nếu em thấy tin tưởng thì đưa chứng minh thư và 250.000 đồng, vé có sẵn ở chỗ chị rồi, mua là có liền, không phải đợi ngày lấy. Nếu muốn đúng tên theo chứng minh thư thì thêm 100.000 đồng để chị sang tên”.
Khi chúng tôi hỏi hiện vé tàu bán trên mạng cũng như bán tại ga đều đã hết, vậy vé của chị bán lấy từ đâu ra? Đặng tiết lộ: “Lượng vé bọn tôi bán là do trước đó chủ vé người ta dùng chứng minh thư của nhiều người đặt mua vé. Giờ chủ vé chỉ việc ôm vé ngồi ở nhà bán lại kiếm tiền chênh. Bọn chị chỉ là “cò” đi kiếm khách, mỗi vé được vài chục ngàn”.
Ngày hôm sau, trong vai người đi mua vé chúng tôi tiếp tục đến ga tàu Sài Gòn, lập tức nhao nhao hơn chục người lao đến mời chào, khi nghe tôi muốn mua vé tàu “nhân viên” thì một phụ nữ chừng 40 tuổi, mặc áo sơ mi sọc tay dài lên tiếng: “Về đâu em?”, “Quảng Ngãi” tôi đáp. “Vé tàu tết về Quảng Ngãi hết rồi, em mua vé ra Quảng Nam rồi xuống ga Quảng Ngãi cũng được, tiền công 250 ngàn”. Tôi quay qua hỏi: “Cần tên tuổi, chứng minh gì không chị”. “Khỏi cần, cứ đưa tiền, đặt ngày rồi tới ngày về chị dẫn lên toa, lên đó nhân viên sắp xếp chỗ ngồi, đến nơi thì đưa tiền cho họ, nếu em đi thì chị ghi biên nhận…”. Nói rồi người phụ nữ lấy tờ giấy trắng ra định viết “biên nhận” nhưng tôi ngăn lại. Thấy quảng cáo chúng tôi không được, nên khi chúng tôi vừa bỏ đi liền bị cò này ném theo vài câu chửi tục. Một lát sau, trước cửa vào phòng vé chúng tôi nhận ra cò Châu và một số cò đang “dụ” một thanh niên mua vé. Cuộc trao đổi chưa đầy 5 phút, cò Châu liền lấy giấy kê lên xe máy hí hoáy viết cái gì đó đưa cho nam thanh niên rồi lên xe tiếp tục rảo quanh sân ga. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ có Châu, Tám… mà còn rất nhiều các đối tượng khác như Phương cô đơn, Tuấn, Sang, Bi… cá biệt có đối tượng Huỳnh Quân đã hành nghề cò vé hàng chục năm đang liến thoắng mời khách mua vé. Liên tục như vậy, con đường từ bãi gửi xe đến trong nhà vé chỉ cách vài chục mét đã có đến gần chục “cò” đứng, ngồi la liệt.
Quản lý khó, khó xử lý ?
Một cò (phụ nữ) đang dụ dỗ khách mua vé tàu.
Qua nói chuyện, cò Châu cho chúng tôi biết gia đình của thị đã hành nghề cò tàu gần 4 đời, khi Châu tìm được người mua sẽ gọi ngay cho chồng mình hoặc dẫn dến cạnh khu vực bãi giữ xe để trao vé. Trường hợp nào chưa có vé sẽ được thị lấy tiền cọc và viết biên nhận qua giấy tay. Khi được hỏi về vé tàu ở đâu có mà bán? Châu trả lời thẳng thừng: “Một vé bán được 250 nghìn hoặc 150 nghìn thì sẽ “ăn chia” theo đầu vé, ở đây toàn là vé thật".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết: "Những vé ngoài chợ đen bán có thể là của một số người mua được qua mạng nhưng không đi nên bán lại cho “cò”. Bên cạnh đó, qua website tất cả người dân, kể cả thành phần đầu cơ vé, đều có thể đặt chỗ, mua vé, thậm chí “cò” vé thuê người lên mạng đăng ký mua giùm. Đây cũng chính là kẽ hở cho “cò” lợi dụng để đầu cơ vé. Cũng theo ông Thành: "Những trường hợp người đi tàu không trùng khớp với tên, CMND in trên vé sẽ không được lên tàu. Về việc một số “cò” vé chợ đen nói móc ngoặc được với nhân viên của nhà ga, sau đó hứa hẹn sẽ bán vé đúng tên, đúng CMND cho khách, điều đó là bịa đặt. “Cò” nói vậy để tăng uy tín hòng lừa đảo người mua”.
Được biết, đây là năm thứ 2 ngành đường sắt phối hợp với FPT và VNPT triển khai bán vé tàu tết qua mạng với nhiều phương thức bán vé khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bán trên trang web của ngành đường sắt vì hành khách có thể tìm hiểu được là có bao nhiêu đoàn tàu chạy và còn bao nhiêu ghế trống để lựa chọn. Ông Đinh Văn Sang - Phó Tổng giám đốc công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết: Trường hợp mua vé rồi không đi nữa muốn trả lại vé thì cái vé đấy sẽ vào kho chờ của ngành đường sắt. Sau đó, nửa ngày đến một ngày mới đưa ra lại hệ thống mạng bán vé của ngành đường sắt. Lúc này thì tất cả mọi người đều có thể đặt mua được chứ không chỉ riêng “cò”. Nhà ga sẽ không giải quyết chuyển đổi tên, CMND người này sang người khác, nhằm tránh tiếp tay cho “cò” mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch.
Được biết, trước tình trạng cò mồi vé trong ga Sài Gòn trong những dịp tết, ga Sài Gòn đã cử lực lượng phối hợp với địa phương bắt quả tang, tạm giữ đối tượng cò vé. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn không mấy biến chuyển.
Anh Tuấn nguoitieudung.com.vn/co-ve-tau-van-long-hanh-mua-tet-d38596.html
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét