Các làng chài "nghìn tàu, nghìn tấn": Thêm mùa bội thu

Đó là các làng chài điển hình của nghề cá Quảng Ngãi như Phổ Thạnh (Đức Phổ), Bình Châu (Bình Sơn), Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi)... Sản lượng khai thác thủy sản xa bờ của các làng chài này lên đến hàng chục nghìn tấn mỗi năm; ngư dân thì không ngừng nâng cao số lượng, công suất tàu thuyền, luôn thể hiện quyết tâm bám biển, hướng tàu ra Trường Sa, Hoàng Sa…

Nghìn tàu, nghìn người bám biển

 Toàn tỉnh có khoảng 5.500 tàu cá, với tổng công suất hơn 1 triệu CV thì xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) đã có 1.070 tàu, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hơn 950 tàu. Còn các làng chài như Bình Châu (Bình Sơn), An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn)… số lượng tàu thuyền cũng ngót nghét hơn 400 chiếc và chỉ chuyên đánh bắt xa bờ.


Các làng chài nghìn tàu nghìn tấn Thêm mùa bội thu
Thời tiết năm nay thuận lợi, ít mưa bão đã giúp ngư dân các làng chài ven biển có một mùa bội thu. Ảnh: Ý THU

Được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề cá Quảng Ngãi với tổng công suất khoảng 327nghìn CV, Nghĩa An là làng chài đứng đầu số lượng, công suất tàu cá của tỉnh. “Càng ngày, ngư dân của xã càng có xu hướng giảm tàu công suất nhỏ và đóng tàu công suất lớn vươn khơi. Hiện, các tàu đăng ký đóng mới thường trên 400CV, có tàu lên đến hơn 1.000CV”, ông Đỗ Hồng Minh- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An nhận định.

Không ngừng đóng mới, nâng cao công suất tàu, nên số lượng ngư dân có mặt tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa đang ngày một tăng nhanh. Theo ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn) – một trong những làng chài có đội tàu kiên cường bám biển tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì nếu tính bình quân mỗi chiếc tàu vươn khơi với 10 lao động, thì ngư dân Bình Châu đã có hơn 4.000 người “có mặt” trên biển.


Tại các làng chài, nghề biển được truyền lại từ đời cha đến đời con. Có gia đình, tất thảy mọi người đều gắn bó với biển. Như gia đình của ông Võ Bình tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, có 3 người con trai thì cả thảy 3 người đều là những ngư dân dày dạn biển khơi. Chiếc tàu 165CV hành nghề lưới vây trên biển của các con ông, hầu như năm nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Riêng năm nay, tàu của gia đình ông và tàu của ngư dân Nguyễn Văn Quang được xem là hai chiếc tàu đánh bắt đạt năng suất cao nhất của xã Bình Châu.  

Theo số liệu thống kê của Sở NN & PTNT, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản trên biển đạt khoảng 150 nghìn tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, trong số 5.542 tàu,  với tổng công suất hơn 1,1 triệu CV đã đăng ký thì số tàu có công suất lớn hơn 20CV lên đến 4.372 chiếc. Bội thu tại các làng chài “nghìn tấn”

Quyết tâm lấy kinh tế biển làm mũi nhọn, nên những năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt hải sản trên biển tại các làng chài ven biển luôn đạt ngưỡng hàng chục nghìn tấn. Đến thời điểm này, sản lượng đánh bắt của ngư dân xã Nghĩa An đạt 50 nghìn tấn, vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đánh bắt của ngư dân xã Bình Châu cũng vượt so với cùng kỳ năm ngoái hơn 3.000 tấn…

Theo ngư dân Võ Thái, thuyền trưởng tàu hành nghề lưới vây tại Bình Châu: “Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn rất nhiều so với mọi năm, khi tính đến thời điểm này mà mùa mưa, bão vẫn chưa tới. Vì vậy, ngư dân chúng tôi đi biển được nhiều chuyến hơn, sản lượng đánh bắt cũng cao hơn”.

Riêng các tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương, ngoài lợi thế về thời tiết, ngư dân còn được một mùa bội thu khi giá cá ngừ đại dương năm nay cũng “nhỉnh” hơn hẳn so với mọi năm. “Mọi khi tháng này là chúng tôi nghỉ ở nhà rồi, còn năm nay, vẫn đi biển như bình thường. Cá ngừ loại 1 thì 110 nghìn đồng/kg, còn cá ngư loại 2 cũng 85 nghìn đồng/kg. Một chuyến câu được chừng 40 – 50 con cá ngừ đại dương là no”, ngư dân Trương Văn Gỗ (38 tuổi) ở làng chài Phổ Thạnh (Đức Phổ) phấn khởi cho biết. Là chủ sở hữu tàu câu cá ngừ đại dương công suất 715CV trị giá gần 3 tỷ đồng, sau một năm bội thu, hiện ngư dân Trương Văn Gỗ đang tính toán, làm thủ tục đóng thêm tàu để kiếm thêm thu nhập từ biển.

Ông Nguyễn Minh Tú - Phó trưởng Phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh) cho rằng: “Những năm qua, ngư dân các xã ven biển của tỉnh luôn không ngừng tăng công suất tàu để vươn khơi. Điển hình như xã Nghĩa An, nếu như trước đây, số lượng và công suất tàu đều đứng sau Phổ Thạnh, thì hiện tại đã vươn lên đứng đầu”. Tuy nhiên, cũng theo ông Tú, bên cạnh việc nâng cao công suất, số lượng tàu; các cấp, ngành và địa phương cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt trong chừng mực nhất định, không chạy đua theo số lượng để bảo vệ được nguồn lợi thủy sản cho người dân đánh bắt lâu dài, bền vững.

Bài, ảnh: Ý THU baoquangngai.vn

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét