Họ cưỡi tàu, đạp sóng, dọc ngang giữa trùng dương mênh mông, bao la để săn cá mập. Nhiều ngư dân trở nên giàu có từ nghề này, nhưng cũng không ít người bỏ mạng do bị cá mập cuốn phăng xuống biển...
Những "cao thủ" săn "cọp biển"
Chúng tôi trở lại Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), tìm đến nhà lão ngư Cao Chảng (80 tuổi) - vị "cao thủ" già còn sót lại của nghề săn cá mập ở Nghĩa An. Lão Chảng có đến ba con trai cùng kế nghiệp, với tổng số gần chục chiếc tàu công suất lớn. Về "vườn" gần 10 năm nay, lão Chảng chọn cho mình công việc đan giỏ cá bằng tre, bán cho các tàu cá ở địa phương.
Hỏi về lịch sử của nghề câu cá mập ở Nghĩa An, lão Chảng cũng chẳng biết có từ khi nào, chỉ biết khi ông sinh ra đã thấy ông nội đi câu cá mập. Và đến đời ông kế nghiệp lại. Những năm 1970-1980, phương tiện của lão Chảng chỉ là chiếc thuyền buồm lợi dụng hướng gió hoặc chèo tay. Không có la bàn, máy định vị, tầm ngư hay các loại Icom hiện đại, các chuyến săn cá mập đều dựa vào kinh nghiệm.
"Phải mất một ngày đêm mới chèo gần 30 hải lý tới đảo Lý Sơn, mọi người nghỉ ngơi rồi tối hôm sau mới bắt đầu câu mập. Hồi đó, chỉ cách Lý Sơn vài hải lý, cá mập đã lởn vởn trong các rạn san hô, đủ loại to nhỏ khác nhau. Mỗi thuyền câu có 3-4 ngư dân. Người thả lưới, người chèo thuyền, dùng dây thả xuống đo mực nước cạn sâu để đoán luồng lạch của cá mập...", lão Chảng nhớ lại.
Theo lời lão Chảng, cá mập là một loài nguy hiểm bậc nhất trên biển, nên không phải ai cũng đi săn nó được. Từ xưa đến nay, nghề săn cá mập chỉ dành cho những ngư dân có sức khỏe, kinh nghiệm lão luyện, tinh nhanh và lòng gan dạ đáng khâm phục.
Ngư dân Cao Trung với chiếc lưỡi câu kỉ niệm thời còn đi săn cá mập.
Ở Nghĩa An, lão Chảng cùng ba người con trai nổi tiếng là những "cao thủ" săn cá mập của địa phương. Trước kia, lão Chảng nổi tiếng cả Quảng Ngãi là người săn được nhiều cá mập nhất, có chuyến biển ông bắt được 3-4 tấn cá mập thu về hàng trăm triệu đồng. Chính nhờ sự gan dạ, kinh nghiệm và am hiểu về cá mập, nên lão Chảng chế ngự được loài cá ma mãnh này.
Ngư dân Cao Trung (52 tuổi), con trai đầu của lão Chảng, nổi tiếng ở Nghĩa An là người "câu một phát, trúng một tỉ tư". Năm 2011, làng chài Nghĩa An xôn xao bởi tàu cá của ngư dân Trung mở biển đầu năm trúng đậm cá mập. Ngư dân Trung kể: "Ăn tết xong, tôi cho tàu chạy thẳng ra điểm đỏ (PV- điểm bí mật của mỗi gia đình). Tung 1.500 lưỡi câu xuống biển, chiều tối kéo lên, ai cũng trố mắt kinh ngạc bởi cá mập dính câu cả trăm con. Những con cá mập khổng lồ, chúng tôi phải dùng sà lan 3,5 tấn kéo lên. Phải mất trọn hai ngày, chúng tôi mới kéo hết cá lên tàu và chạy thẳng về bờ bán được 1,4 tỉ".
Trước ông Trung một phiên, ngư dân Cao Tận (46 tuổi), con trai thứ của lão Chảng cũng làm cho làng chài một phen lóa mắt, khi đánh một quả câu kiếm được 800 triệu đồng. Đó không phải là lần duy nhất ngư dân Tận trúng lớn cá mập như thế. Vào năm 2012, ông Tận có ba chuyến đi biển thắng lợi, thu về hàng chục tấn cá mập, bán lãi gần 2 tỉ đồng.
"Săn cá mập, ngư dân thường tuyệt đối giữ bí mật những điểm đỏ trên máy định vị. Đội tàu nào cũng có riêng bí mật của mình. Muốn săn được nhiều cá mập, không chỉ cần có kinh nghiệm am hiểu về loài cá này, mà cần phải gan dạ nữa", ngư dân Tận chia sẻ.
Chuyện cá quật chết người trong cuộc chiến sinh tử
Theo lão ngư Cao Chảng, nghề săn cá mập giúp nhiều gia đình trở nên giàu có, nhưng nghề này cũng lấy đi máu và nước mắt của nhiều ngư phủ. "Biển cho tôm cá, "cọp biển", nhưng bao năm nay đã lấy đi biết bao nước mắt. Đến nay có khoảng gần chục ngư dân trên địa bàn hành nghề câu cá mập gặp nạn, bỏ mạng hoặc bị thương tật", lão Chảng ngậm ngùi.
Nhiều tàu, thuyền ở Nghĩa An đã chuyển sang nghề lưới chuồn hay giã cào.
Xuôi ngược trên đại dương, các ngư dân câu cá mập nhiều lần thoát khỏi thần chết trong gang tấc. Dày dạn kinh nghiệm như "cao thủ" Cao Tận, nhưng vẫn không tránh được điều đó. Bão Chan Chu năm 2006, tàu ông Tận lọt vào vùng bão cấp 12 tại tọa độ 23 độ vĩ Bắc, 117 độ kinh Đông. Trong giờ phút sinh tử, ông Tận quyết định bỏ tàu, góp phần cứu sống toàn bộ tám thuyền viên.
Ông Tận vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện: "Tất cả ngư dân nhảy sang tá túc trong con tàu to hơn của ông Lê Đình Trung (người hàng xóm) đang thả neo. Ai cũng nghĩ phen này một chết một sống với bão Chanchu. Cả đêm chúng tôi đóng chặt cabin và phó mặc tính mạng của mình cho trời đất. Cuối cùng, tất cả đều may mắn sống sót. Khi vào tới bờ an toàn chúng tôi mới biết cơn bão này đã cướp đi hàng trăm sinh mạng".
Hơn 25 năm trôi qua, nhưng lão ngư Cao Quốc (70 tuổi), em trai lão Chảng vẫn nhớ như in cái lần suýt rơi vào hàm răng cá mập. Chuyến đi biển năm 1985 trong lúc đang mải mê kéo dây bắt cá mập, bất ngờ chiếc dây câu căng phừng bởi con cá mập quẫy đạp và phóng ngược hướng thuyền. Ông Quốc bị dây câu vướng vào chân rồi kéo xuống biển. May mắn thế nào, chiếc dây câu dãn ra giúp ông vung chân lao lên mặt nước để nhờ ứng cứu.
"Với nghề săn cá mập, chuyện những ngư dân bị dính lưỡi câu rách toác chân tay, bị cá mập vùng vẫy, đè lên người gây thương tích là điều không hiếm gặp. Sau cái ngày cận kề cái chết đó, tôi bị ám ảnh và bỏ hẳn luôn nghề câu cá mập từ đó", ông Quốc ngậm ngùi.
Cách đây 10 năm, những "cao thủ" săn cá mập ở Nghĩa An như lão Chảng, ông Cao Trung hay ông Cao Tận không phải là ít. Còn bây giờ, những chuyến trúng đậm cá mập hay chuyện ngư dân rủ nhau đi câu cá mập chỉ còn là quá khứ. Lão Chảng ngậm ngùi giải thích: "Nghề này nguy hiểm quá nên ngư phủ trẻ ở đây không muốn nối nghiệp họ chuyển sang đi lưới chuồn hay câu cá hố hết rồi. Bây giờ cả làng chỉ còn sót lại vài thuyền câu với độ 5-7 tay câu giỏi. Nghề câu cá mập ở đây đã tàn rồi".
Ngay cả những "cao thủ" như ông Cao Trung và Cao Tận cũng không còn mặn mà với nghề săn "cọp biển". Gần ba năm nay, ông Trung, ông Tận đã chuyển hẳn sang nghề câu cá hố. Ông Trung cho biết, ngư dân bỏ nghề câu cá mập không chỉ vì nguồn cá suy giảm mà một phần do giá vi cá mập đã giảm mạnh từ 2-3 triệu đồng/kg bây giờ chỉ còn 1-1,5 triệu đồng/kg. Với giá vi cá như vậy sau mỗi chuyến đi không đủ để bù vào phần kinh phí.
Ông Trung trầm ngâm: "Vi cá mập chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây Trung Quốc nhập khẩu ít nên giá giảm mạnh. Nguồn cá giảm nhưng giá cao thì chúng tôi còn theo nghề. Bây giờ cá ít, giá cũng giảm không đủ phí ai dám đi."
Box: Ngậm ngùi nghề săn "cọp biển"
Ông Lê Huy Phúc, cán bộ Thủy sản xã Nghĩa An cho biết, nghề câu cá mập được xem là nghề truyền thống của địa phương, nhưng vì phải đối đầu với hiểm nguy bất ngờ nơi đầu sóng ngọn gió mà ngư dân chuyển sang nghề giã cào hay lưới chuồn. Những năm trước xã Nghĩa An có hơn 30 thuyền đi nghề câu cá mập, với khoảng hơn 300 ngư dân, nhưng theo thống kê năm 2015 cả xã chỉ còn 2 thuyền theo nghề này.
Dương Kha nguoiduatin.vn/san-ca-map-va-cuoc-chien-sinh-tu-giua-trung-khoi-a214856.html
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét