Đáy giếng chứa được khoảng 100 người?
Theo sự chỉ dẫn của người dân, PV tìm đến nhà ông Trần Dự (65 tuổi, ngụ dân cư số 3, thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ nhân của giếng "lạ" mà người dân trong vùng đồn thổi lâu nay. Ông Dự cho biết, cái giếng này có từ thời cố nội của ông, đến nay dễ cũng trên dưới 200 năm, nên có thể gọi đây là một giếng cổ.
Theo chân ông Dự ra khu vườn sau nhà, nơi có chiếc giếng cổ đang tọa lạc đã mấy trăm năm. Dưới rặng mãng cầu xanh um, chiếc giếng vẫn im lìm nằm đó với bao bí ẩn chưa có lời giải đáp. Thoạt nhìn, bên ngoài nó trông giống như bao cái giếng bình thường khác. Giếng nước hơi nhỏ, bờ thành giếng cao tầm 0,5m, bán kính giếng khoảng 0,3m. Ông Dự cho biết, chiều sâu của cái giếng tính từ đáy lên trên mặt đất chưa tới 5m, xung quanh được xây bằng đá vôi (nay đã phủ màu rêu xanh). Đoạn từ đáy giếng trở lên tầm khoảng 1,5m là đất đá vôi kết lại.
Giếng nước "lạ"
"Nhìn thì bình thường quá đúng không? Nhưng có nhiều chuyện bí ẩn quanh cái giếng này lắm. Thật ra, chuyện về cái giếng thì những người có tuổi sống quanh đây đều biết. Sau vài chục năm im lìm, nay được khơi lại nên có nhiều người quan tâm", ông Dự cho biết.
Nói xong ông Dự chỉ tay xuống đáy giếng cho hay: “Ở dưới đáy giếng nó tạo thành cái bồn rộng lắm, chắc cũng phải hết cái vườn mãng cầu này. Bồn giếng tuy rộng nhưng hơi "khiêm tốn" về chiều cao, ước chừng nó có thể chứa được cả trăm người trưởng thành nhưng phải ở tư thế đứng khom. Thêm một đặc điểm nữa là độ rộng của bồn giếng không đều mà mở rộng theo hướng Tây”.
Tuy nhiên, theo ông Dự, đó là chuyện của cách đây mấy chục năm, còn bây giờ thì bồn giếng hơi bị thu hẹp do bị đất lở lấp lại. Lần ông xuống gần đây nhất cũng gần chục năm. Lúc đó, ông xuống để đặt lại vòi rồng máy bơm nước, ông định chui vô để xem nhưng thấy đất lở nhiều quá nên sợ. Từ đó đến nay chưa có ai xuống giếng cả.
"Lúc bé, khi mực nước thấp hơn điểm giao nhau đó, thỉnh thoảng chúng tôi hay trèo xuống và chui vào bồn để chơi. Có lần tôi trốn ba mẹ đi chơi sợ bị đánh đòn, nên chui xuống giếng để trốn", ông Dự kể.
Ông Phan Thanh Tâm (64 tuổi), hàng xóm nhà ông Dự nói thêm vào: "Hồi còn nhỏ, tụi tui hay đến nhà ổng để chơi lắm. Lúc đó cái giếng chưa có bờ thành nên nhiều khi bọn tui lại "lọt" xuống dưới đó. Thấy xung quanh rộng nên cũng mò vô xem thử, tuy nhiên chỉ vô được một chút là bọn tui không đứa nào dám vô nữa vì sợ".
Dựa vào gia phả của dòng họ, cũng như những lời kể của cha ông, ông Dự cho rằng sở dĩ bồn giếng mở rộng về phía Tây là có liên quan đến chùa Hang (phía tây nhà ông là chùa Hang). Giả thuyết này được ông Dự đưa ra, và cho rằng có xác suất "đúng" nhất. "Trước kia các bậc tiền bối của họ Trần là những người trông giữ chùa Hang. Có lẽ, xưa kia, vì đường đến chùa vô cùng khó khăn, nên mới đào đường hầm thông với chùa Hang, điểm kết thúc của đường hầm chính cái hang mà dân hay gọi là "đường xuống âm phủ", ông Dự nói.
Bên cạnh ý kiến này, ông Dự còn cho rằng đây cũng có thể là hầm mà xưa kia, thanh niên trong làng không muốn bị giặc bắt đi lính nên đào hang để trốn.
Giếng biết "nuốt" gà, vịt...
Ông Dự chỉ tay xuống đáy giếng trong veo và bảo: "Đấy các cô nhìn đi, mạch nước của cái giếng này nó phun từ dưới lên, chứ không phải chảy ngang từ thành giếng như các giếng khác".
Nhìn theo hướng chỉ tay của ông Dự, PV thấy từ đáy giếng có khoảng ba, bốn "ụn nước" (theo cách nói của ông Dự) được tạo thành.
Ông Trần Dự bên giếng nước "lạ" của gia đình mình
Theo lời ông Dự, ngày trước, vào mỗi mùa nước cạn, nhiều chiếc giếng trong vùng không hề có nước, nhưng giếng này nước vẫn phun lên ầm ầm. Nhưng kỳ lạ ở chỗ nước tuy phun nhiều như thế, mà mực nước chỉ sâm sấp. Không bao giờ giếng đầy đầy ăm ắp nước, nhưng cũng không bao giờ cạn khô.
"Dân làng ví giếng này là "giếng nước Thạch Sanh", cứ múc hết nước nó lại trào lên ngay. Nhớ cách đây mấy chục năm, giếng nước quanh đây đều cạn khô nhưng giếng nước nhà tôi vẫn còn, nên bà con đến lấy về uống. Mọi người múc cả ngày nó cạn khô, nhưng kỳ lạ là chừng năm phút sau mực nước lại như cũ", ông Dự kể lại.
Ông Dự cho biết thêm, điều kỳ lạ nữa là trước kia khi chưa xây thành giếng cao như bây giờ, ở cái giếng này thường xảy ra nhiều sự việc khó hiểu. Cái giếng này thường..."nuốt" gà, vịt và đồ vật.
Hỏi ra mới biết, do không có bờ thành nên những vật nuôi trong nhà thường hay bị rớt xuống giếng. Những con vật này khi rớt xuống lại chui vô bồn giếng, và ở luôn trong đấy. Lúc đầu, người nhà ông Dự xuống giếng để tìm nhưng không thấy. Kỳ lạ là, sau vài ngày, lại nghe tiếng gà, vịt kêu quang quác dưới giếng. Người trong nhà ông cứ thế xuống "đón" chúng về.
"Chả biết dưới đó có gì để ăn không, nhưng gia cầm "dạo chơi" cả mấy ngày, mà khi xuống thấy chúng cứ ung dung đứng rỉa lông cánh, tuyệt nhiên không con nào ốm yếu gì cả. Chuyện này, tôi cũng chưa từng thấy, chỉ nghe cha mẹ tôi kể lại thôi. Vì khi tôi lớn lên, biết nhận thức thì giếng này đã được xây thành rồi", ông Dự chia sẻ.
Thông tin này cũng được một số người dân gần nhà ông Dự xác nhận. Ông Tâm cho hay, ông cũng từng nghe bố mẹ mình nói lại về chuyện kỳ lạ này. Nhưng, không ai có thể lý giải vì sao những con vật trên có thể sống sót khi ở dưới giếng.
Chỉ là những lời đồn thổi
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trương Thế Mỹ, chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết, thời gian qua ông có nghe những lời đồn đại về cái giếng "lạ" ở nhà ông Trần Dự. Tuy nhiên, theo ông đây chỉ là những lời đồn thổi không có căn cứ.
Theo ông Mỹ, dưới đáy giếng có một hang lớn, không loại trừ nguyên nhân là do nằm ở vùng đất nhiều "lồng phổng", nên giếng nước đó mới có đặc điểm như thế. Cách đây không lâu, khi xây dựng trường mầm non ở xã An Hải, khi đào móng thi công cũng gặp nhiều chỗ đất "lồng phổng" như thế, và họ buộc phải đổ đất xuống để bít lại trước khi xây móng. Còn hiện tượng, nước trong giếng phun ầm ầm có thể là do trúng mạch nước ngầm ở đây mạnh.
Cũng theo ông, chuyện gà vịt rơi xuống giếng rồi lại trở về, thì ông Dự chỉ nghe cha ông kể lại chứ chưa từng chứng kiến. Trước kia giếng này không có bờ thành cao, sợ trẻ con tới gần nguy hiểm đến tính mạng. Nên có thể câu chuyện này do ông bà trước kia của gia đình ông Dự nghĩ ra, để làm trẻ con sợ mà không đến gần giếng.
Đã báo cáo lên cấp trên
Ông Mỹ khẳng định: "Hiện, địa phương vẫn chưa có bất cứ cuộc điều tra, tìm hiểu gì về cái giếng này. Nhưng, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên cấp trên để tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng, làm chuyện phi pháp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nếu xuất hiện thêm những chuyện gây hoang mang dư luận từ giếng nước này, địa phương sẽ tiến hành điều tra, tìm hiểu”.
Như Ý NguoiDuaTin.Vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét