Nằm trên con đường Trần Mai Ninh (gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, Tp. HCM), chợ Bà Hoa được biết đến như là khu vực tập trung đầy đủ các món ăn đặc sản của xứ Quảng. Đây là địa chỉ rất quen thuộc của những người con xứ Quảng xa quê khi muốn ăn những món ăn dân dã hay tìm một chút bóng dáng quê nhà.
Chợ Bà Hoa, theo nhiều người dân buôn bán lâu năm ở đây kể lại được thành lập vào năm 1967 bởi một người phụ nữ tên Hoa. Ban đầu, bà mua mảnh đất này với mục đích cất một cái chợ nhỏ, phân lô cho nhiều người thuê lại để buôn bán tại chợ. Tuy nhiên, do khu vực này có rất nhiều người Quảng sinh sống nên dần trở thành chợ của người Quảng.
Quê hương thu nhỏ
Hiện nay, chợ Bà Hoa được đổi tên thành chợ phường 11 và có nhiều đổi thay. Đặc sản và hàng hóa ở đây ngày càng đa dạng, phục vụ tốt hơn nhu cầu không chỉ của người miền Trung mà còn cho các vùng miền khác. Tuy vậy, chợ vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng rất riêng, với khoảng 80% người bán và người mua đều sinh ra tại xứ Quảng.
Vừa bước vào cổng chợ, hàng loạt các bảng hiệu nhỏ giới thiệu đặc sản xứ Quảng được cắm khắp các gian hàng, hầu như không thiếu bất cứ một món gì. Từ mì Quảng, cá bống sông Trà đến những bịch hành tỏi tuy nhỏ mà thơm ở Lý Sơn hay những phong bánh nổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng nướng tại chỗ thơm giòn; từ những bịch kẹo gương, những lon mạch nha ngọt đậm đà đến các loại mắm “mặn mòi, cay điếng” như mắm cơm, mắm cà, mắm cá nục.
Ngay cả bánh đập cũng theo chân người xứ Quảng vào đây. Để rồi mỗi lần ghé chợ, người ta có thể nói với nhau những câu nói đặc sệt xứ Quảng như: “Mua mấy đập?”, “Một đập hay hai đập?”… Vì là chợ bình dân nên giá cả cũng rất phải chăng, một bánh đập có giá chỉ khoảng 6.000 đồng.
Đến chợ Bà Hoa, các chị em nội trợ còn có thể dễ dàng tìm mua những con cá nục bé xíu với giá 40.000 đồng/1 ký đem về hấp cuốn bánh tráng; cá ngừ 60.000/1 ký về chế biến món bún cá ngừ; cá chuồn giá 50.000đ/ký mua về nướng gập hoặc kho với cà chua.
“Hầu hết các món đặc sản đều được vận chuyển từ quê vào. Khi bán sắp hết, tiểu thương sẽ gọi điện về quê để đặt hàng và hàng sẽ có liền sau hai ngày. Do vận chuyển từ quê vào nên giá thành có đắt hơn chút đỉnh. Dẫu vậy, người mua vẫn rất tấp nập. Một số món làm tại Sài Gòn như mì Quảng, bánh đập đều do người Quảng tự chế biến nhưng vẫn giữ được những hương vị đặc trưng”, chị Đinh Thị Hoanh (quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho hay.
Chợ hoạt động cả ngày nhưng tấp nập nhất vẫn là buổi sáng. Buổi chiều, chợ còn bán các món “ăn xế” dân dã như bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc, gỏi mít trộn, lòng xào nghệ.
Hồn quê
Chợ Bà Hoa tuy nhỏ nhưng rất tấp nập, đi hoài vẫn không thấy hết chợ. Đến với ngôi chợ nhỏ này, người xứ Quảng sẽ cảm thấy ấm lòng như đang đứng trên mảnh đất quê hương, còn người dân xứ khác sẽ tìm thấy nơi đây nhiều điều thú vị trong nếp ăn, nết ở của cộng đồng người Quảng.
Ngoài các món đặc sản, không ít những người con xa quê tìm đến chợ Bà Hoa để được trò chuyện cùng bà con, được nghe giọng Quảng “khô khan” mà thân quen ấy. Chị Lê Thị Kim Anh (quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết: “Mười năm vào Sài Gòn sinh sống, mỗi tuần tôi đều cố gắng ghé chợ đều đặn ít nhất 4 lần để mua đồ ăn cho gia đình. Đi chợ Bà Hoa thích lắm, tất cả những món đặc sản ở quê chợ đều có. Vào chợ còn tha hồ nói giọng Quảng mà không sợ ai trêu và nhái lại”.
Có lẽ, với mỗi người con xứ Quảng xa quê sẽ không thể nào quên những hương vị đặc trưng của quê nhà ở ngôi chợ độc đáo này. Nó trở thành nơi lưu giữ hồn quê không lẫn vào đâu được của một cộng đồng người dân xứ Quảng, góp thêm một nét văn hóa truyền thống độc đáo cho đất Sài Gòn. Để rồi, khi nhắc đến chợ phường 11 ở quận Tân Bình có thể không mấy ai để ý, nhưng chợ Bà Hoa thì ở mãi trong tiềm thức của họ.
Bài: Th.Hậu – Báo Quảng Ngãi
Ảnh: Internet
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét