Trong đó, cá bống sông Trà và món don nằm trong số 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Kẹo gương là một trong 10 đặc sản kẹo mứt nổi tiếng Việt Nam. Quế Trà Bồng có mặt trong Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh vừa công bố thông tin này và đánh giá đây là cơ hội vàng quảng bá văn hóa ẩm thực Quảng Ngãi với du khách trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia ẩm thực, cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè. Ngư dân thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1 m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ ra bắt gọn những chú cá trong ống.
Còn dac san Quang Ngai kẹo gương hấp dẫn ngay từ tên gọi vì loại kẹo này trong như pha lê, đẹp như bức tranh tĩnh vật. Kẹo có màu vàng ươm của đậu phộng (lạc), trắng vàng của mè và mong manh dễ vỡ làm cho người ăn như phải nâng niu trên tay.
Theo chân một số người Hoa ở Triều Châu, Quảng Đông, đến sinh sống lập nghiệp tại Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, nghề làm kẹo gương lan truyền và phát triển, nay trở thành nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Khẽ cắn một miếng kẹo gương nghe giòn tan, vị ngọt béo bùi râm ran trên đầu lưỡi. Nhai nhẹ nhàng từng chút, tiếng lao xao dịu dàng của mè vỡ ra giữa hai hm răng, lại gặp hạt đậu phộng thơm ngậy trong vòm miệng; và từ chân răng những mảnh đường vụn tan ra tự bao giờ. Trong những buổi sáng tinh sương, trời se se lạnh, ăn kẹo gương uống kèm vào vài ngụm trà ướp sen thì khó có món ngon vật lạ nào sánh bằng.
Từ lâu người dân Quảng Ngãi ví don là món ăn dân dã, đậm đà phong vị quê hương, ngon miệng và giàu chất bổ dưỡng.
Don họ nhuyễn thể hai mảnh, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, dài hơn một phân. Vỏ thường mỏng hơn các loài ốc khác, hai mảnh vỏ chụm vào nhau, ở phía trên mỏng hơn dưới bụng. Ruột don màu phổi bò, pha màu vàng và có những tua hồng bao quanh.
Cứ từ tháng giêng âm lịch đến cuối mùa hạ, người dân miền đông Quảng Ngãi, nơi con sông Trà đổ ra biển (cửa Đại Cổ Lũy) lại rủ nhau đi nhủi cào don. Don ngon không phải vì cầu kỳ hay gắn kết với một kỷ niệm xưa... mà ngon vì thế đất, vì con nước "chè hai" giúp nó có hương vị quê hương đặc biệt.
Với đặc sản quế, từ bao đời, cây quế gắn bó máu thịt với đời sống đồng bào dân tộc Cor ở huyện miền núi Trà Bồng.
Quế Trà Bồng. Ảnh: Trí Tín.
“Phủ biên tạp lục” biên soạn năm 1776 của Lê Quý Đôn, dẫn lời của ông Trần Tân Tùng, một khách buôn Quảng Đông (Trung Quốc) đến Hội An năm 1577: “Ở Hội An hàng hóa nhiều lắm. Dù trăm chiếc thuyền to chở một lúc cũng không hết được. Đó là dược liệu trầm, kỳ, ý, dĩ, quế, thảo quý, sa nhân, tô mộc…”.
Cây quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt. Các tài liệu khoa học chứng minh giá trị y học rất cao của quế Trà Bồng. Quế sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu, dùng trong nhiều bài thuốc đông y. Đặc biệt có thể sử dụng cả vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như đồ mỹ nghệ, bình, chén, hộp đựng trà, đựng tăm, nhang quế hương thơm dịu nhẹ...
Trí Tín Vnexpress.Net
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét