Hóa chất và những cạm bẫy của cuộc sống hiện đại có vẻ gây hại cho khả năng làm cha của nam giới |
Các nhà nghiên cứu thấy rằng chỉ 25% số nam giới trẻ tạo được “tinh binh” chất lượng tốt, và thể tích trung bình bị giảm 1/4 kể từ những năm 1940.
Phát hiện được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội Sinh sản và phôi thai người châu Âu, đã thúc đẩy các bác sĩ đưa ra cảnh báo rằng lối sống tiêu dùng có thể tạo ra môi trường độc hại cho phái mạnh.
TS Niels Jorgensen, cố vấn Khoa Tăng trưởng và sinh sản tại Rigshospitalet, Copenhagen, cho biết hàng nghìn hóa chất có trong nhà tắm và bếp có thể là thủ phạm của những thay đổi này.
“Lối sống hiện đại có tác động vì chúng ta đang phơi nhiễm với quá nhiều hóa chất và chúng ta không biết hết tác hại của chúng,” ông nói. Các hóa chất có trong kem chong nang, mỹ phẩm, chảo rán và thậm chí trong quần áo đều có thể làm tăng nguy cơ đối với “tinh binh’.
Nghiên cứu kéo dài 15 năm của TS Jorgensen gồm gần 5.000 nam giới Đan Mạch, tuổi trung bình là 19, thấy rằng 15% có chất lượng tinh binh rất kém, đồng nghĩa với việc họ có thể cần đến sự hỗ trợ về sinh sản.
27% khác có thể phải đợi lâu mới được làm cha. Chỉ 25% có “tinh binh” tốt, trong khi số còn lại đạt tiêu chuẩn thấp hơn.
Theo TS Jorgensen, có ngày càng nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy các hóa chất phá vỡ và ức chế sản sinh testosterone. Ông bày tỏ mối lo ngại đặc biệt về những chế phẩm bôi như kem chống nắng.
“Chúng ta được khuyên nên tự bảo vệ mình bằng những sản phẩm này, nhưng nếu mang một số hóa chất trong đó đi xét nghiệm thì bạn có thể thấy chúng cản trở chức năng của tinh trùng,” ông nói.
“Nếu được đưa ra lời khuyên cho chính gia đình mình, thì tôi sẽ khuyên đừng sử dụng chúng.”
GS Richard Sharpe, Trung tâm sức khỏe sinh sản MRC tại Đại học Edinburgh, cho biết ông không tin các hóa chất là thủ phạm gây giảm số lượng tinh binh, nhưng cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác định lý do.
TS Chris Flower, Hội Mỹ phẩm và nước hoa phát biểu: “Chúng tôi có thể tuyên bố rằng các sản phẩm mỹ phẩm được quy định bởi các luật chặt chẽ của châu Âu là an toàn. Cả ngành sản xuất và cơ quan quản lý đều nhận thức được vấn đề liên quan đến tác động nội tiết, và nếu nguy cơ này hiện hữu trong các mỹ phẩm, thì chắc chắn đã có những hành động để đối phó với nó.”
Cẩm Tú
Theo Telegraph
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét