Đã gần 70 mùa lúa rẫy đi qua, mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng về nghề đan lát truyền thống, già Đinh Quang Trị đã sáng tạo ra những sản phẩm đan lát từ mây độc đáo, tinh xảo. Sản phẩm không chỉ đơn thuần là vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà còn giữ được "hồn" của văn hóa dân tộc Hrê.
“Lửa nghề vẫn cháy”
Căn nhà sàn già Trị đang sinh sống nằm ở đầu thôn Mang Lùng 2, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ. Bên cạnh những ngôi nhà sàn ngói đỏ mới căng, nhà sàn của già Trị vẫn giữ được những nét truyền thống của người Hrê. Bên trong ngôi nhà vẫn còn giữ nhiều vật dụng đan lát của người H’e từ ngày ông chập chững vào nghề.
Gần 70 mùa lúa rẫy trôi qua nhưng già Trị vẫn kiên trì cùng nghề đan lát từ mây. Đang cùng vợ vót từng cọng mây đan cho khách, già Trị kể cho chúng tôi nghe về cái duyên với nghề và khoảng thời gian gắn bó cùng nó.
Ông đến với nghề khi là một chàng thanh niên ở tuổi trăng tròn, chỉ là tự mày mò, học hỏi một cách bản năng để làm những vật dụng sinh hoạt cho gia đình, người thân. Như bao nhiêu người chập chững bước vào nghề, già cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ban đầu, sản phẩm làm ra có hình thù không như ý muốn. Tuy nhiên, chỉ cần hai năm sau, già nhanh chóng trở thành một nghệ nhân tài hoa.
Theo già Trị, để tạo ra một sản phẩm đan lát từ mây tre rừng, phải trải qua khá nhiều công đoạn mà nếu không có sự đam mê sẽ dễ bỏ cuộc. “Nói đi đôi với làm”, già Trị “tạo cơ hội” để khách có một chuyến trải nghiệm thú vị. Đi tìm mây, chính là công đoạn đầu tiên.
Vớ lấy cái nón trên tường nhà và cây rựa, già Trị băng thẳng vào rừng. Sau một giờ đồng hồ vượt qua những dốc cao ở núi Vàng Rỉa, già Trị tìm được đến nơi có mây. Những cây mây rừng đầy gai nhanh chóng được chặt và róc sạch vỏ dưới đôi bàn tay đã sần sùi theo năm tháng cùng nghề.
Sản phẩm đan lát từ mây mà già Trị làm ra được nhiều người ưa chuộng. |
Già Trị cho biết, ngày trước tìm mây dễ hơn nhiều. Bây giờ, mỗi ngày, già chỉ chặt khoảng 10 cây trở lại rồi về để dành đan dần, khi nào hết mới vào chặt tiếp. Vì cây mây trên rừng cũng như con cá dưới sông, khai thác nhiều thì sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Trong số những vật dụng đan lát từ cây mây thì gùi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống người Hrê mà già Trị thích làm và nhiều người tìm đến nhất. “Để tạo ra một chiếc gùi phải mất đến tuần lễ. Chỉ riêng khâu chuẩn bị nguyên liệu như phơi mây, vót thành nan, nấu lá rừng để nhuộm, ngâm bùn cho mây ngã màu đen tốn mất 4 ngày. Và cuối cùng là đan liên tục trong 3 ngày để hoàn thành sản phẩm”, già Trị chia sẻ về các công đoạn.
Theo kinh nghiệm, trong quá trình đan, việc tạo hoa văn trang trí là khó khăn nhất. Đồng thời phải biết rưới nước tiên tục để sợi mây dẻo dai hơn, nếu không, nó sẽ mau giòn và dễ gãy. Ngoài gùi, già Trị còn đan các vật dụng sinh hoạt khác như cay đựng trầu, rá, nón, nia…
Khát vọng truyền nghề
Nhìn những ngón tay đầy vết sẹo, vết chai sần nổi lên thành cục ở mép ngón tay đủ để biết rằng già Trị gắn bó với nghề như thế nào. Mỗi chiếc gùi bán ra già kiếm được 500.000 đồng. Thời sản phẩm còn thịnh hành, có ngày ông bán được 10 cái. Khoảng thu nhập này đã giúp vợ chồng già trang trải trong cuộc sống.
Sản phẩm của già Trị không chỉ mua để mang lên rẫy hay phục vụ đời sống hàng ngày, mà còn là một vật trang trí không thể thiếu trong văn hóa tâm thức của người Hrê. Ông Đinh Văn Lật, khách hàng thân thiết của già Trị chia sẻ: “Sản phẩm mà già Trị làm rất tỉ mỉ và sáng tạo nhưng không hề mất đi cái hồn của dân tộc. Vừa làm nhà xong, tôi đã đặt hàng mua vài sản phẩm về để cùng già Trị giữ cái hồn dân tộc trong chính ngôi nhà của mình”.
Nhận thấy giá trị của nghề đan lát mây, bảo tàng Ba Tơ đặt hàng già Trị một số lượng lớn về trưng bày. Huyện Ba Tơ tặng bằng khen cho già Trị về những thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát huy nghề đan lát truyền thống.
Bà Đinh Thị Y Ban Quý, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ nhấn mạnh: “Những sản phẩm được già Trị làm ra được mọi người đón nhận không đơn thuần là vật dụng mà còn là tâm huyết của một con người yêu nghề. Chính nhờ những người như già Trị mà nghề đan lát truyền thống ở Ba Tơ như được hồi sinh”.
Giữ được nghề đã khó, truyền được nghề càng khó hơn. Trước thực trạng nhiều nghề truyền thống đang bị mai một, già Trị vẫn đau đáu trong lòng khát vọng truyền nghề. Không những làm giàu từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, già vẫn mong có những người trẻ làm giàu từ chính cái nghề truyền thống của dân tộc mình, khi mà nguồn nguyên liệu mây ở Ba Tơ rất dồi dào. Và bây giờ, chỉ cần địa phương tổ chức các lớp học, già Trị sẵn sàng là người đứng lớp để truyền dạy cho các thế hệ con cháu.
Bài, ảnh: Th.Hậu
Báo Quảng Ngãi.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét