Miền núi Quảng Ngãi: Qua 40 mùa Xuân

Sau 40 năm, từ những vùng đất kháng chiến, mang đầy vết tích chiến tranh và đói nghèo, nay bộ mặt miền núi Quảng Ngãi đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt. Hơn 238 nghìn người dân tộc thiểu số đang từng ngày nỗ lực để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đoàn kết trong kháng chiến


Đến thăm Anh hùng LLVTND Đinh Tía (dân tộc Hrê ở xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà), chúng tôi nghe kể về những ngày tháng đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết đánh giặc. “Đồng bào dân tộc mình đoàn kết, kiên cường lắm!”, Anh hùng Đinh Tía phấn khởi nói. Ngày ấy, bất chấp hy sinh đến tính mạng, chàng trai Đinh Tía băng qua lửa đạn chiến tranh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm liên lạc. Nhiều lần suýt chết nhưng chí vẫn không sờn, đôi chân anh vẫn thoăn thoắt khắp núi rừng như cánh chim không mỏi. Ông bảo: “Phải cùng với đồng bào góp sức mình để giải phóng quê hương”.


Miền núi Quảng Ngãi: Qua 40 mùa Xuân
Nắng về trên bản làng Cor. Ảnh: Văn Xuân
Anh hùng Đinh Tía và rất nhiều người con của miền Tây Quảng Ngãi chẳng tiếc máu xương vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, trong khi phong trào cách mạng ở đồng bằng gặp nhiều khó khăn thì ở các huyện miền núi được duy trì và phát triển, tiến lên dùng hình thức vũ trang tự vệ. Năm 1959, ba đơn vị vũ trang đầu tiên của Khu 5 được thành lập ở các huyện Trà Bồng, Sơn Tây và Ba Tơ. Cùng thời gian này đã diễn ra cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi, Khu 5 và cả miền Nam, báo hiệu sự thất bại của đế quốc Mỹ trong chính sách dùng bộ máy tay sai độc tài Ngô Đình Diệm để tiêu diệt phong trào cách mạng bằng chính sách "tố cộng", "diệt cộng".

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi thể hiện tính tiên phong, đi đầu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở tỉnh ta trong đấu tranh cách mạng. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi đã đóng góp phần công sức không nhỏ góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trải qua 40 năm, các thế hệ người dân ở miền Tây Quảng Ngãi vẫn luôn tự hào về một thuở đoàn kết giết giặc của cha ông và đó cũng là sức mạnh, nền tảng vững chắc để thế hệ con cháu hôm nay và mai sau phát huy trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Góp sức xây dựng quê hương

Sau ngày giải phóng, với sự đoàn kết một lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số, bộ mặt ở các huyện miền núi ngày một khởi sắc. Những khu dân cư đông đúc thay cho những bản làng hoang sơ. Những cánh đồng lúa, những khu rừng xanh tốt mọc lên từ những hố bom của giặc Mỹ. Những con đường mòn cách trở nay đã thành con đường trải nhựa, bê-tông chạy dài đến tận thôn xóm. Đảng và Nhà nước đặc biệt chăm lo đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng trong 4 năm (2005-2008), từ nguồn vốn ngân sách, trên địa bàn 6 huyện miền núi trong tỉnh đã có 106 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư 1.166 tỷ đồng. Hiện nay, về cơ bản giao thông ở các địa phương đã thuận lợi. Các huyện miền núi từng bước đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Các điều kiện cơ sở vật chất về y tế, giáo dục… từng bước được cải thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Cùng với các chính sách đầu tư cho các huyện miền núi như Chương trình 135, 134, trợ cước, trợ giá, định canh định cư... năm 2009 Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được triển khai, mở ra cơ hội mới cho các huyện miền núi trong công tác xoá đói giảm nghèo. Đến nay, đã có 12.269 ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng. Hầu hết các xã ở miền núi có đường ôtô đến trung tâm xã, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và giao lưu hàng hóa; 100% xã có trạm y tế; trên 90% số hộ được dùng điện; 77% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 13 xã có chợ trung tâm… Ông Hồ Văn Nên (ở xã Trà Nham, huyện Trà Bồng) vui  mừng cho biết: “Các con của mình đều được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà. Gia đình mình và bà con trong làng còn được hỗ trợ bò, keo, mía để chăn nuôi, trồng trọt. Đời sống gia đình mình và bà con giờ khá lên nhiều”.

Phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất từ trong kháng chiến của thế hệ cha anh, với tinh thần đoàn kết một lòng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở 6 huyện miền núi trong tỉnh đang từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
XUÂN HIẾU

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét