Lâu nay hiếm có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà rường có niên đại cách đây hàng trăm năm, bởi lẽ nét đẹp riêng có ở ngôi nhà rường của người xưa giờ đã bị mai một.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh nhằm góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của Quảng Ngãi, tại đây đã bước đầu hoàn thành việc trưng bày, phục dựng nhà rường cổ. Đây là những ngôi nhà rường của người Quảng Ngãi xưa với kết cấu, hoa văn điêu khắc hết sức độc đáo và tinh xảo.
Nét đẹp cổ xưa
Hiện tại ở sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh có 3 ngôi nhà rường cổ, do ông Võ Hoài Nam-Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thiên Ấn sưu tầm. Các ngôi nhà rường đều do chính người Quảng Ngãi xưa xây dựng. Ba ngôi nhà được phục dựng theo một khối thống nhất, nối với nhau thông qua trường lan cổ dài khoảng 40m, rộng 3m.
Nét đẹp cổ xưa
Hiện tại ở sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh có 3 ngôi nhà rường cổ, do ông Võ Hoài Nam-Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thiên Ấn sưu tầm. Các ngôi nhà rường đều do chính người Quảng Ngãi xưa xây dựng. Ba ngôi nhà được phục dựng theo một khối thống nhất, nối với nhau thông qua trường lan cổ dài khoảng 40m, rộng 3m.
Ngôi nhà rường 296 năm tuổi được phục dựng tại sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh. |
Giới đam mê nghệ thuật điêu khắc thời nay như thể bị “hớp hồn” trước vẻ đẹp của những ngôi nhà rường cổ với đường nét, hoa văn hết sức tinh xảo. Trải qua hàng trăm năm, dẫu chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong vô số đường nét, hoa văn được chạm trổ ở khắp các bộ phận trong ngôi nhà cổ vẫn giữ được nét đẹp riêng có. Ông Võ Hoài Nam cho biết, nghệ nhân thời xưa làm việc không bị áp lực thời gian. Họ được gia chủ thuê về chạm trổ mà không giao khoán theo ngày công như ngày nay. Họ mải mê làm việc cho đến khi hoàn thành tác phẩm, có khi kéo dài vài tháng trời. “Có đam mê nghệ thuật, dồn hết tâm huyết, sức lực mới có thể sáng tạo nên công trình nghệ thuật độc đáo như thế này”, ông Nam nói.
Độc đáo nhất là ngôi nhà chính, đặt ở vị trí đầu tiên sau khi bước vào cổng tam quang. Đây cũng là cái cổng thời cổ xưa, chỉ có quan lớn, người quyền uy mới được vào cổng chính, cổng tả dành cho đàn ông, phụ nữ đi bên cổng hữu. Ngôi nhà này đã 296 năm tuổi. Ông Nam cho biết, đây là ngôi nhà của ông giáo Bảy ở thị trấn Đức Phổ, đã lưu truyền qua đời thứ 6. Nhà được làm bằng gỗ lim và gỗ mít. Ngôi nhà toát lên sự quyền quý, cao sang của gia chủ ngày xưa. Theo ông Nam thì chủ nhân ngày xưa của ngôi nhà chí ít cũng cấp quan huyện. Nhà có 3 gian, 2 chái. Có hè trước rộng 3m. Trường lan có mái tàu dài 12m, được chạm trổ tinh vi với chủ đề mai, lan, cúc, trúc, bát bửu, tứ linh.
Nhà rường cổ vốn đã hiếm, song ngôi nhà cổ có mái tàu càng quý hiếm hơn. Ngay cả phần mái tàu của ngôi nhà này cũng được chạm trỗ hoa văn một cách tỉ mỉ, công phu. Gian giữa ngôi nhà dùng để thờ cúng, có khắc các dòng chữ như: “Sơn hải thâm sâu”, “Bách noãn”, “Đức thắng kim”… Người xưa xem trọng việc giáo dục cháu con về truyền thống con lạc cháu rồng, biết ơn các bậc tiền nhân và đặt lên trên hết đạo đức con người. Do đó chủ ý chạm khắc ở khu vực nghiêm trang nhất trong ngôi nhà để các thế hệ con cháu khắc cốt ghi tâm.
Nhà rường cổ thứ 2 xây dựng cách đây 150 năm, có 1 gian, 2 chái. Ngôi nhà thứ 3 gần 200 năm tuổi. Ngôi nhà này có 3 gian, 2 chái, giống ngôi nhà đầu tiên. Một sự khác biệt dễ dàng nhận thấy ở hai ngôi nhà này là thể hiện sự phân cấp giàu nghèo, quyền uy. Ngôi nhà thứ 3 này là của người dân mặc dù cũng rất độc đáo bởi kết cấu và hoa văn, nhưng nhỏ và đơn giản hơn so với ngôi nhà đầu tiên của vị quan lại. Cột nhà cũng nhỏ hơn. Ngày xưa mỗi một ngôi nhà rường đều có rương xe bằng gỗ. Người xưa dùng rương để cất giữ tài sản và cũng để làm giường ngủ. Rương xe ở ngôi nhà chính cũng cầu kỳ hơn so với rương xe ở ngôi nhà thứ 3, có chạm khắc nhiều hình ảnh dơi ngậm tiền thể hiện sự quyền quý cao sang.
Lưu giữ hồn quê
Là đại tá quân đội, từ lâu vốn có niềm đam mê nghệ thuật cổ xưa nên ông Võ Hoài Nam đã cất công tìm kiếm và sưu tầm nhiều cổ vật có giá trị. Nói đến nhà rường cổ, ông tỏ ra tiếc nuối vì ngày nay nhiều người chạy theo thị hiếu nên lãng quên nét đẹp của ngôi nhà rường xưa. Ông Nam bộc bạch: “Việc tìm kiếm và mua các ngôi nhà rường với mong muốn bảo tồn nét xưa của ông bà. Mỗi một hình ảnh nghệ thuật trong ngôi nhà đều thể hiện tâm tư tình cảm của người xưa”.
Nhà rường cổ chạm trổ nhiều hoa văn tinh xảo. |
Qua 10 tháng thi công, các nghệ nhân có tay nghề cao trong và ngoài tỉnh đã phục dựng hoàn thành 3 ngôi nhà rường cổ nói trên. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Hội Di sản văn hóa Thiên Ấn đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức trưng bày cổ vật trong không gian khu nhà rường. Bước đầu nét đẹp văn hóa của người xưa trên đất Quảng Ngãi đã được giới thiệu, quảng bá đến người dân.
Theo ông Nam, về lâu dài sẽ có nhân viên hướng dẫn, thuyết minh để khách đến tham quan biết và cảm nhận được nét độc đáo của nhà rường xưa. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đoàn Ánh Dương là đơn vị xây dựng và thực hiện đề án xã hội hóa tại sân vườn Bảo tàng tỉnh. Ông Nguyễn Tuấn Lâm - Phó Giám đốc công ty cho biết, Công ty đang đề nghị để được phục dựng các ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh tại sân vườn bảo tàng. Đây là một trong những hoạt động để giữ gìn nét đẹp văn hóa của người dân Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét